Tuy nhiên, hiện nay, nhiều hộ kinh doanh khi muốn chuyển đổi thành DN còn e ngại về thủ tục hành chính, pháp lý, thuế, mức độ ưu tiên…
Để thực hiện mục tiêu của Chính phủ đến năm 2020, cả nước sẽ có 1 triệu DN, việc chuyển đổi các hộ kinh doanh lên thành DN hoạt động bền vững là một giải pháp khá quan trọng. Song nhiều chuyên gia cho rằng, vướng mắc hiện nay là ở tâm lý của các hộ kinh doanh. Theo đó, nhiều hộ kinh doanh lo ngại khi "lên đời" thành DN sẽ gặp nhiều rào cản, khó khăn. Thực tế này khiến cho việc phát triển DN ở không ít địa phương còn hạn chế. Đơn cử năm 2016, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có tổng số 124.194 cơ sở sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho 216.891 lao động, tăng 5,7% về số lượng và 7,7% về lao động so với năm 2015. Tuy nhiên, cả tỉnh hiện mới có hơn 5.400 DN.
Câu chuyện ở Thái Bình không phải là cá biệt mà thực trạng này đang diễn ra ở nhiều địa phương. Tham gia kinh doanh từ năm 1989 theo kiểu thuế khoán nhưng nay đã đến thời “về hưu” nên bà Nguyễn Thị Huê (quận Thanh Xuân, Hà Nội) - chủ hộ kinh doanh điện dân dụng Toàn Huê muốn truyền lại cơ ngơi cho con trai. Tuy nhiên, khi con đề cập đến chuyện chuyển đổi mô hình từ hộ gia đình lên DN, bà Huê rất lo lắng, cho rằng liệu rằng như vậy có phải tự “chui đầu vào rọ”? Không những thế, bà còn liệt kê ra một loạt vấn đề như con còn trẻ không có tài sản, nhà thế chấp để vay vốn...
Qua khảo sát tại các địa phương, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) nhận định, khi được hỏi hầu hết các hộ gia đình không muốn chuyển đổi mô hình kinh doanh lên DN do e ngại chuyện thủ tục pháp lý. Do đó, để hiện thực hóa Đề án “Hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN”, Chính phủ cần sớm có nghị định về thực hiện Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, cụ thể hóa vấn đề hỗ trợ cũng như trách nhiệm của cơ quan Nhà nước.
Theo Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân, câu chuyện chuyển đổi nằm ở chỗ các hộ kinh doanh chưa nhìn thấy những ưu tiên, ưu đãi bằng hiện thực. Theo lý thuyết, hộ kinh doanh lên DN được miễn phí, giảm thuế… nhưng thực tế lại chưa có gì. Một vấn đề quan trọng không kém là có chính quyền phường, xã không báo cáo rõ số lượng người trong hộ kinh doanh để phân loại. Bởi, theo luật, hộ kinh doanh có từ 10 lao động trở lên phải chuyển đổi thành DN. Bên cạnh đó, theo ông Thân, sự hỗ trợ của Nhà nước cho DN không chỉ dừng lại ở mức độ sau khi chuyển đổi mà phải tính đến cam kết của chính quyền địa phương. Chẳng hạn, sau 2 - 3 năm khi chuyển đổi, cán bộ thuế phải hướng dẫn DN lập sổ sách tài chính, báo cáo để DN làm quen với môi trường kinh doanh cao hơn.
Tại buổi tọa đàm và thỏa hợp tác phát triển DN nhỏ và vừa, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN diễn ra mới đậy, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông khẳng định, Bộ cũng như các cấp, ngành mong muốn cộng đồng DN, hộ kinh tế gia đình phản ánh rõ về những vấn đề còn băn khoăn, lo lắng. Từ đó, xây dựng chính sách sát thực tiễn, tránh trường hợp chính sách nằm trên giấy. Đối với vấn đề thủ tục, theo ông Đông, cần đơn giản hóa theo hướng hỗ trợ chuyển đổi từ hộ gia đình thành DN để giảm bớt lo lắng, áp lực cho DN.