Chuyển đổi số giải quyết tồn đọng trong chuỗi cung ứng, kết nối giao thương

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Chuyển đổi số trong quản lý chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm và kết nối giao thương trên địa bàn thành phố Hà Nội” là chủ đề Hội thảo với sự tham gia chia sẻ của chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp tổ chức ngày 25/3.

Sự kiện do Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (Sở KH&ĐT Hà Nội) phối hợp với Công ty CP Truyền thông và Công nghệ Smart Life tổ chức.

Phó Giám đốc Trung tâm Đặng Thị Hương phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên
Phó Giám đốc Trung tâm Đặng Thị Hương phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

Phó Giám đốc Trung tâm Đặng Thị Hương cho biết, Việt Nam là một nước thường xuyên bị tác động bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, khiến nền nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những mối lo về việc nước biển dâng cao gây ngập lụt ở các đồng bằng, hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên, hay các đợt rét đậm ở Bắc Trung Bộ sẽ vẫn luôn là những quan ngại thường trực với bà con nông dân. Điều này có tác động lớn đến khâu vận chuyển và cung ứng hàng hóa nông sản.

Vì vậy, vị này nhấn mạnh, chuyển đổi kỹ thuật số trong chuỗi cung ứng, nếu được tận dụng tốt, một mặt sẽ giúp tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh, mặt khác giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng của mô hình cung ứng truyền thống liên quan đến độ tin cậy, nhanh nhẹn và hiệu quả.

Chuyển đổi số trong chuỗi cung ứng đề cập đến sự đổi mới công nghệ và số hóa chuỗi cung ứng của một tổ chức. Bằng cách này doanh nghiệp có thể phản hồi nhanh chóng và chính xác hơn trước bất kỳ rủi ro tiềm ẩn nào làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường kinh doanh ngày càng trở nên khốc liệt như hiện nay.

Chuyển đổi số Quốc gia đang là Chương trình trọng điểm của Nhà nước với mục tiêu tập trung triển khai năng lực số đến từng doanh nghiệp. Đặc biệt, sở hữu nền tảng kinh tế với 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa có nguồn lực hạn chế (tài chính, con người, công nghệ), nên việc đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ tới doanh nghiệp trở nên cấp thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.

Do đó, bà Đặng Thị Hương thông tin, năm 2022, Trung tâm tiếp tục tham mưu với lãnh đạo Sở KH&ĐT trình UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”.

“Sự kiện với mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khâu cung ứng hàng hóa nông sản có nhận thức đầy đủ và tổng quan nhất về chuyển đổi số cũng như có lối đi để “chuyển mình” một cách tối ưu, hiệu quả và tiết kiệm nhất” – bà Đặng Thị Hương kỳ vọng.

Tại sự kiện, đại diện Cục Chuyển đổi số (Bộ KH&ĐT) đã giới thiệu về chương trình chuyển đổi số quốc gia và các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số đã đánh giá đạt chuẩn, trong đó có Smart Life. Trong khi đó, TS Nguyễn Thị Tân Lộc – Trưởng bộ môn Nghiên cứu kinh tế thị trường (Viện Nghiên cứu rau quả) đã chia sẻ với các doanh nghiệp, hộ sản xuất về sự cần thiết thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm và gợi ý hướng thực hiện…

Ths Nguyễn Thế Tiệp – Viện phó Viện Kỹ thuật chống hàng giả, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ và Truyền thông Smart Life chia sẻ về giải pháp công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Khắc Kiên
Ths Nguyễn Thế Tiệp – Viện phó Viện Kỹ thuật chống hàng giả, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ và Truyền thông Smart Life chia sẻ về giải pháp công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Khắc Kiên

Đặc biệt, là chuyên gia về chuyển đổi số trong quản lý chuỗi cung ứng, Ths Nguyễn Thế Tiệp – Viện phó Viện Kỹ thuật chống hàng giả, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ và Truyền thông Smart Life đưa ra nhiều giải pháp về hệ sinh thái công nghệ trong quản lý chuỗi cung ứng, minh bạch thông tin kết nối cung cầu cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm trong tình hình mới.

Nổi bật, thực trạng về truy xuất nguồn gốc và chính sách pháp luật ở Việt Nam, các phương thức truy xuất nguồn gốc; Sự cần thiết, cơ hội, khó khăn khi áp dụng truy xuất nguồn gốc; Quy trình triển khai áp dụng truy xuất nguồn gốc; Một số Module chuyển đổi số quản lý truy xuất nguồn gốc… đã được chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp.

Chuyên gia Trần Thị Trang – Trưởng phòng Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chia sẻ về những chính sách hỗ trợ. Ảnh: Khắc Kiên
Chuyên gia Trần Thị Trang – Trưởng phòng Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chia sẻ về những chính sách hỗ trợ. Ảnh: Khắc Kiên

Xuất phát từ thực tế, chuyên gia Trần Thị Trang – Trưởng phòng Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội) đã hướng dẫn thực thi các chính sách hỗ trợ chuyển đổi số của Nhà nước, TP Hà Nội đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi cung ứng khi áp dụng, triển khai.

Theo bà Trần Thị Trang, mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, từ đó tạo ra giá trị mới cho doanh nghiệp. Từ đó phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa Thủ đô được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; 90.000 doanh nghiệp mới được thành lập nhận hỗ trợ từ kế hoạch; 100% doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội sử dụng dụng chữ ký số, hóa đơn điện tử.

“Tất cả nhằm xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ chuyển đổi số thông qua phát triển mạng lưới đối tác với tổ chức, cá nhân tư vấn chuyển đổi số và doanh nghiệp cung cấp nền tảng số đạt chuẩn” – vị này nhấn mạnh.

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần