Luật cho phép trong thời hạn 2 năm, các VPCC phải thực hiện chuyển đổi nếu không sẽ bị thu hồi quyết định cho phép thành lập.
Luật Công chứng năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015 quy định, VPCC do một công chứng viên (CCV) thành lập phải chuyển đổi thành VPCC được tổ chức, hoạt động theo loại hình công ty hợp danh, do đó thời hạn cuối cùng để các địa phương hoàn thành việc chuyển đổi VPCC là trước ngày 1/1/2017.
Theo Bộ Tư pháp, tính đến hết tháng 11/2016, cả nước có 959 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 820 VPCC (289 VPCC hoạt động theo loại hình DN tư nhân và 531 VPCC hoạt động theo loại hình công ty hợp danh, chiếm 65% tổng số VPCC). Trong tổng số 531 VPCC hoạt động theo loại hình công ty hợp danh thì khoảng 170 VPCC là kết quả của việc chuyển đổi VPCC theo quy định của Luật (chiếm 32% tổng số VPCC hợp danh). Việc chuyển đổi được thực hiện khá hiệu quả tại một số địa phương, với toàn bộ hoặc gần như toàn bộ các VPCC hoạt động theo loại hình công ty hợp danh, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Kon Tum, Lai Châu…
Cũng theo Bộ Tư pháp, hiện có khoảng 50 VPCC đang làm thủ tục chuyển đổi. Trong trường hợp các VPCC này thực hiện xong thủ tục chuyển đổi trước ngày 1/1/2017 thì tổng số VPCC hoạt động theo loại hình công ty hợp danh sẽ tăng lên khoảng 580 văn phòng, chiếm khoảng 70% tổng số VPCC trong cả nước.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi VPCC hiện đang gặp một số khó khăn, vướng mắc: Khoảng 240/820 VPCC đang hoạt động theo loại hình DN tư nhân và không có khả năng chuyển đổi đúng thời hạn. Bên cạnh những tỉnh, TP trực thuộc T.Ư đã hoàn thành hoặc có khả năng hoàn thành việc chuyển đổi VPCC đúng thời hạn thì một số địa phương đang gặp khó khăn về nguồn CCV và không có khả năng hoàn thành việc chuyển đổi VPCC đúng thời hạn. Các VPCC đang gặp khó khăn trong việc chuyển đổi chủ yếu tập trung tại những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội chưa phát triển nên hoạt động công chứng cũng chưa mạnh, số lượng CCV trên địa bàn ít.
Một vấn đề nổi lên là muốn chuyển đổi phải có đủ CCV nhưng hiện nhiều nơi đang thiếu nguồn. Nhiều địa phương chưa đánh giá hết tác động của quy định về chuyển đổi VPCC, do đó chưa có sự chuẩn bị đầy đủ, tích cực cho việc chuyển đổi. Tuy nhiên, có thể thấy bước sang năm 2016 và đặc biệt là từ thời điểm giữa năm 2016 trở lại đây, nhiều địa phương mới xác định được tính cấp thiết của việc tăng số lượng CCV để bảo đảm chuyển đổi VPCC. Do vậy, đến nay, nhiều địa phương, bao gồm cả Sở Tư pháp và các VPCC, mới đang bước đầu tạo nguồn CCV hoặc tìm cách thu hút CCV từ địa phương khác.
Tại một số địa phương, mặc dù có nguồn CCV để thực hiện chuyển đổi song vẫn không chuyển đổi được VPCC. Trong thực tế, một số VPCC có khả năng mở rộng quy mô cũng chỉ muốn bổ sung CCV theo chế độ hợp đồng thay vì bổ sung CCV hợp danh nhằm hạn chế việc chia sẻ quyền lợi. Ngược lại, cũng có không ít CCV chỉ muốn làm việc theo chế độ hợp đồng để hạn chế ràng buộc trách nhiệm với VPCC… Đối với những trường hợp này, nếu Sở Tư pháp không có giải pháp tuyên truyền, vận động, giải thích rõ nghĩa vụ và hậu quả pháp lý của việc thực hiện quy định về chuyển đổi thì việc chuyển đổi VPCC không thể thực hiện được.
Chính vì vậy, Bộ Tư pháp đề nghị các Sở Tư pháp cần tích cực, chủ động hơn nữa trong việc tạo nguồn CCV tại chỗ cũng như thu hút CCV từ những địa phương đang có nhiều CCV. Một số giải pháp cụ thể có thể thực hiện như tạo điều kiện thuận lợi nhất, hướng dẫn cụ thể để hoàn thiện thủ tục chuyển đổi nhanh nhất đối với các VPCC đã hoặc đang chuẩn bị nộp hồ sơ; khẩn trương gửi Bộ Tư pháp các hồ sơ đề nghị bổ nhiệm CCV cũng như các hồ sơ đề nghị tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng…