Trong bài trả lời phỏng vấn tờ Sputnik, chuyên gia quân sự Nga, đại tá Anatoliy Matviychuk, nói rằng binh lính Ukraine đang phải đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến thiết bị quân sự.
Quân đội Ukraine bước vào mùa Đông thứ hai trong cuộc xung đột quân sự với các lực lượng Nga khi đang vật lộn giải quyết thời tiết khắc nghiệt, bùn lầy và chuột trong chiến hào và hầm.
Đại tá Matviychuk cho biết Ukraine hiện không còn những thiết bị quân sự do Liên Xô và Nga sản xuất, được thiết kế hoàn chỉnh để hoạt động ở các khu vực phía Bắc có nhiệt độ thấp. Theo chuyên gia quân sự Nga, những thiết bị như vậy được trang bị máy sưởi đặc biệt để chống chọi với thời tiết lạnh.
Tuy nhiên, ông giải thích rằng các thiết bị quân sự của phương Tây không được thiết kế phù hợp trong mùa Đông.
Chuyên gia Matviychuk lưu ý thêm: "Những loại thiết bị quân sự phương Tây được quân đội Ukraine đưa vào sử dụng, bao gồm cả xe tăng M1 Abrams do Mỹ sản xuất, được thiết kế đặc biệt để hoạt động trong khí hậu nhiệt đới và cần được bảo quản tránh xa thời tiết lạnh giá. Trên thực tế, xe tăng Abrams dường như không hề xuất hiện trên chiến trường kể từ khi Kiev tiếp nhận. Loại xe tăng này không thích hợp cho mùa Đông cũng như đầm lầy. Chúng có con lăn và đường ray cao su, đó là lý do tại sao chúng trượt trên băng”.
Trong khi đó, xe tăng T-90 của Nga có khả năng phá băng và di chuyển trong bất kỳ khu vực nào, còn những chiếc M1 Abrams đều không thể làm được vì chúng bị trượt và hoạt động không ổn định trong thời tiết giá rét.
Đại tá Matviychuk cho rằng giống như năm ngoái, mùa Đông 2023-2024 có thể chứng kiến binh lính Ukraine phải đối mặt với những thách thức tương tự liên quan đến việc thiết bị quân sự của họ bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt.
"Các nút bấm trên súng sẽ ngừng hoạt động, xe tăng và phương tiện chiến đấu sẽ ngừng khởi động và vũ khí mà phương Tây cung cấp cho Kiev sẽ không thể sử dụng" - ông Matviychuk nói.
Khi được hỏi những yếu tố nào khác có thể ảnh hưởng lớn đến binh lính Ukraine ở tiền tuyến, ông đề cập đến việc cung cấp thuốc và thực phẩm, cùng với bổ sung nhân sự, vệ sinh và tình hình dịch tễ học.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng nêu khó khăn khác với binh sĩ Ukraine là vấn đề chuột xâm chiếm chiến hào, đồng thời nhắc lại rằng những con vật này đã lây lan một loạt bệnh truyền nhiễm, bao gồm cả bệnh tularemia.
Ông cho rằng để giải quyết vấn đề này, lực lượng quân đội Ukraine cần phải thực hiện các biện pháp đặc biệt chống lại chuột, trong đó bao gồm quy định tạm thời rút binh sĩ khỏi chiến hào hoặc hầm trú ẩn. Tuy nhiên, theo chuyên gia Matviychuk, giải pháp này khá nguy hiểm do việc triển khai máy bay không người lái của Nga trên các vị trí của Ukraine.
Trước đó, hồi đầu tháng này, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Valery Zaluzhny thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với tạp chí Economist của Anh rằng Kiev cần phải thực hiện một bước nhảy vọt về công nghệ để phá vỡ thế bế tắc trong chiến dịch phản công hiện tại.
"Rất có thể sẽ không có bước đột phá nào" - ông Zaluzhny nhận định và nói thêm rằng, những hướng dẫn và tính toán của NATO mà Kiev áp dụng để lập kế hoạch phản công đã không ngăn được lực lượng Nga đối phó một cách hiệu quả với quân đội Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhiều lần khẳng định quân đội Ukraine đã không đạt được kết quả rõ ràng trên bất kỳ khu vực nào trên tiền tuyến.
Hồi tháng trước, người đứng đầu Điện Kremlin gọi cuộc phản công của Kiev được phát động từ đầu tháng 6 là "thất bại chứ không phải là bế tắc". Tổng thống Putin cho rằng lực lượng vũ trang Ukraine đã mất hơn 90.000 binh sĩ, hơn 500 xe tăng Ukraine, bao gồm cả xe tăng hiện đại Leopard-2 của Đức.
Ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Mỹ và các đồng minh đã tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kiev.
Moscow đã nhiều lần cảnh báo rằng các nước NATO đang "đùa với lửa" bằng cách cung cấp vũ khí cho Kiev, điều mà Điện Kremlin cho là góp phần kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố, bất kỳ chuyến hàng vũ khí nào tới Kiev đều được xem là mục tiêu hợp pháp của lực lượng quân đội Nga.