Sau 5 năm đàm phán, tới hôm qua (5/10), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức hoàn tất tại thành phố Atlanta (Mỹ), mở đường cho khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới. TPP sẽ hình thành một khu vực mậu dịch tự do chiếm tới 40% kinh tế và 30% thương mại toàn cầu, và được dự báo sẽ bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.
TPP được nhìn nhận là cơ hội không thể tốt hơn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước. Đặc biệt là trong những lĩnh vực như như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ… sẽ được miễn hoặc giảm thuế khi tiếp cận vào thị trường nhiều nước trong Hiệp định.
Mặc dù vậy theo nhiều chuyên gia kinh tế cũng như doanh nhân VIệt Nam, doanh nghiệp Việt cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn:
Ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam: TPP được ký kết thành công mang ý nghĩa quan trọng đối với hội nhập kinh tế toàn cầu trong một thế giới đang ngày càng kết nối và phụ thuộc lẫn nhau. TPP hoàn tất sẽ giúp gia tăng thu nhập và mức sống của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á, đặc biệt trong đó có Việt Nam. Các lĩnh vực dệt may và giày dép sẽ được hưởng lợi lớn nhờ thị trường tiềm năng được mở rộng.
Tuy nhiên để có thể hưởng lợi được gì từ hiệp định này thì lại phụ thuộc vào chính Việt Nam. Chắc chắn rằng TPP sẽ tạo áp lực tích cực để Việt Nam đổi mới nhanh chóng và có được một nền kinh tế hiệu quả cũng như mang tính cạnh tranh hơn
Luật sư Trần Vũ Hải, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội: Đây là sự kiện lớn nhất của Việt nam từ sau 1975 đến nay, có thể là dấu mốc quan trọng đưa Việt nam hoà nhập với các nền kinh tế thị trường phát triển như Mỹ, Nhật, Úc, Canada, Singapore....Việt nam có thật sự tận dụng cơ hội và cả thách thức này để phát triển vượt bậc hay không phụ thuộc vào chính người Việt nam.
Đối với nghề luật sư, sau khi TPP hoàn tất sẽ là một thời kỳ để các luật sư phát triển nghề nghiệp vì tôn trọng pháp luật là điều bắt buộc và không thể né tránh.
Ông Lương Hoài Nam-Giám đốc Hãng hàng không Hải Âu: TPP là cơ hội, không phải "chiếc đũa thần". Cần tránh hiểu nhầm là TPP hoàn tất đồng nghĩa với mọi thứ tự nhiên tốt lên, mọi doanh nghiệp đều ăn nên làm ra, thu nhập người lao động tăng, kinh tế phát triển vượt bậc ...
Không có cái gì tự nhiên đến mà đều cần phải "cày", từ lãnh đạo đến dân, thậm chí phải "cày" cật lực hơn, vất vả hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn yếu hơn, kém hơn các đối thủ cạnh tranh trong TPP. Việt Nam mở cửa ra là họ vài ngay, còn doanh nghiệp trong nước vào được nước họ còn khó.
Doanh nghiệp trong nước còn phải làm nhiều việc, từ việc nghiêm túc với chất lượng, giá cả cạnh tranh, có hiểu biết đủ về pháp luật, văn hoá, các hệ thống phân phối địa phương, kỹ năng đàm phán quốc tế... cần có người giỏi cho những việc đó. Đá bóng "gôn tôm" với đá bóng chuyên nghiệp khác nhau lắm.
Ông Nguyễn Đức Thành- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách: TPP vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với Việt Nam. Chúng ta có thể tham gia vào các thị trường lớn và nhiều tiềm năng, tạo dựng được thị trường cho riêng mình, qua đó nâng cao được mô hình sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên nếu không tận dụng được Việt Nam sẽ bị rơi lại đằng sau, trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các nước khác.
Nếu không nâng cao được quy trình sản xuất, doanh nghiệp trong nước sẽ rất khó bắt nhịp được với doanh nghiệp quốc tế.
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng thương mại Mỹ tại Hà Nội: TPP được đàm phán thành công sẽ có tác động quan trọng đến quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ. Hiệp định này giúp thay đổi môi trường kinh doanh của Việt Nam và tạo ra những cơ hội mới giúp Việt Nam tiến những bước dài trong quá trình toàn cầu hóa.
Bên cạnh đó, TPP cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam, có thể tiếp cận nhiều hơn tới các thị trường chủ chốt, thúc đẩy cạnh tranh, thu hút thêm đầu tư nước ngoài ... Qua đó đem lại công ăn việc làm và thu nhập tốt hơn cho người lao động Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư: Sau khi TPP chính thức có hiệu lực, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các nước khác sẽ thuận lợi hơn nhờ nhiều rào cản được dỡ bỏ cũng như thuế quan được giảm. Tuy nhiên, theo chiều ngược lại, Việt Nam cũng phải mở cửa cho hàng hóa nhập khẩu nhiều không kém, từ đó dẫn tới tình trạng nhiều mảng khó có thể chống chọi được do khả năng cạnh tranh kém như nông sản, chăn nuôi ...
Đứng trước những thách thức này, Việt Nam cần thay đổi tư duy về quản lý, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động kinh của doanh nghiệp cũng như hỗ trợ doanh nghiệp vươn ra toàn cầu. Đối với các hoạt động quản lý trong nước cần tuân theo chuẩn mực của các nước tham gia TPP, tránh tình trạng biến cơ quan quản lý thành "đối thủ" của doanh nghiệp trong nước.
Đại diện 12 nước tham gia đàm phán TPP tại Atlanta (Mỹ)
|
Hiệp định TPP có sự tham gia của 12 quốc gia gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. |