Nhóm thực phẩm có lợi cho bệnh nhân ung thư
Chuyên gia dinh dưỡng cho biết phần lớn bệnh nhân ung thư chỉ tập trung vào điều trị trực tiếp mà quên đi vấn đề dinh dưỡng. Trên thực tế, nhiều bệnh nhân tử vong sớm do mắc các bệnh liên quan đến suy dinh dưỡng.
Ngược lại những bệnh nhân ăn uống đủ chất, chế độ ăn hợp lý giúp nâng cao thể trạng sẽ kéo dài tuổi thọ đáng kể.
“Dinh dưỡng đóng vai trò đặc biệt quan trọng giúp nâng cao hệ miễn dịch, hạn chế những bệnh truyền nhiễm kèm theo. Ăn uống đủ chất giúp bệnh nhân giảm thiểu những bất lợi do tác dụng phụ của những phương pháp điều trị”, PGS Lâm nói.
Với bệnh nhân ung thư, bà Lâm khuyên mọi người hướng tới chế độ ăn lành mạnh. Cụ thể như tránh béo phì bằng cách hạn chế chất béo bão hòa, chất béo thể đồng phân có nhiều trong các món nướng, rán ở nhiệt độ cao.
Ảnh minh họa.
|
Bên cạnh đó, ăn uống trung tính, tức không ăn quá mặn, quá chua hay quá ngọt sẽ có lợi nhất cho bệnh nhân ung thư.
Lí do bởi ăn mặn hay cay quá dễ làm tổn thương niêm mạc đường ruột, khoang miệng và dạ dày.
Hạn chế tối đa thực phẩm nhiễm độc như thuốc bảo vệ thực vật cũng rất cần thiết với bệnh nhân ung thư: “Không nên ăn quá nhiều, tránh tình trạng thiếu và thừa chất”, bà Lâm đúc kết.
Vậy muốn phòng ngừa ung thư nên ăn gì, bệnh nhân ung thư nên ăn gì? Trả lời những câu hỏi này, PGS Lâm khuyến khích tất cả mọi người thực hiện chế độ ăn nhiều rau xanh tươi.
Bởi rau xanh chứa nhiều hoạt chất chống lại quá trình oxy hoá. Một số rau gia vị truyền thống như hành, rau mùi, thì là, rau thơm được đánh giá rất tốt.
Ngoài ra nhiều thực phẩm như giá đỗ nảy mầm giàu vitamin E cũng có lợi cho bệnh nhân ung thư.
Trong chế biến thực phẩm hằng ngày, vị chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo các gia đình ăn nhiều mỡ thực vật thay thế cho mỡ động vật, không nên ăn mỡ chiên đi chiên lại nhiều lần, ăn nhiều cá hơn thịt. Đặc biệt hạn chế ăn thịt đỏ.
Về rau củ quả, người bị ung thư nên ăn nhiều quả chín. Nói chung rau quả có nhiều sắc thái sẽ có khả năng làm chậm quá trình oxy hóa tốt hơn.
Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy việc uống nhiều sữa đậu nành, ăn nhiều đậu phụ giúp ngăn ngừa ung thư hiệu quả. Chú ý tăng cường cung cấp vitamin C cho cơ thể bằng những trái cây giàu vitamin C như cam, bưởi, quýt.
Sau khi điều trị, bệnh nhân cần ăn tăng cường và đa dạng các loại thực phẩm giàu protein và cacbonhydrat. Lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng là nên ăn từ 5 - 7 phần rau xanh và trái cây, nên ưu tiên các loại trái cây có họ nhà cam quýt, các loại rau xanh sẫm và nhiều màu sắc.
Nên ăn đầy đủ các loại thực phẩm nhiều chất xơ như ngũ cốc, bánh mỳ và các thực phẩm khác chế biến từ ngũ cốc. Đồng thời khi bị bệnh, nhu cầu năng lượng và dinh dưỡng cơ bản của tế bào ung thư cao hơn tế bào bình thường. Do đó bệnh nhân sẽ nhanh chóng rơi vào suy mòn nếu không được can thiệp dinh dưỡng hợp lý.
Để đảm bảo dinh dưỡng người bệnh cần phải ăn uống đầy đủ thực phẩm đảm bảo các nhóm chất: Đạm - bột đường - béo - vitamin, khoáng chất.
Liên quan đến vấn đề dinh dưỡng, PGS Lâm khuyến cáo rằng những bệnh nhân ung thư trong và sau quá trình điều trị (xạ trị, hoá trị…) khiến cơ thể suy kiệt, chán ăn.
Do đó người thân cần chú ý đến chế biến thực phẩm bắt mắt, kích thích ăn uống và phù hợp với khẩu vị bệnh nhân. Nhóm dưỡng chất giàu EPA, vitamin E, A và chất khoáng, kẽm được cho có tác dụng ngăn ngừa ung thư tái phát.
Tuy nhiên đó chỉ là nguyên tắc chung, ngoài ra tuỳ thể trạng từng người mà bác sĩ điều trị, chuyên gia dinh dưỡng sẽ có những lời dặn cụ thể hơn.
Ví dụ đối với bệnh nhân ung thư kèm bệnh tiểu đường thì cần bồi dưỡng ăn uống nhưng không tăng làm đường trong máu. Thực phẩm tốt nhất cho nhóm bệnh nhân này là gạo lứt, bánh mì đen.
Hay với bệnh nhân ung thư kèm đau dạ dày thì nên có thức ăn mềm, tránh ăn thức ăn cay, chua.
Cách giúp bệnh nhân ăn ngon
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm ăn uống, PGS Lâm khuyên nên chia nhỏ các bữa ăn cho bệnh nhân, chọn ăn thực phẩm dễ tiêu nhưng đảm bảo dinh dưỡng.
Ngoài chế độ ăn phù hợp, bà Lâm tư vấn bệnh nhân ung thư không nên uống rượu bia, hạn chế đồ uống có ga. Ngược lại nên uống những loại nước truyền thống như nước chè xanh, nước lá vối, trà atiso bởi chúng chứa nhiều chất chống oxi hóa, lợi gan, lợi tiêu hóa và giúp bài độc trong cơ thể.
Mỗi ngày uống từ 1,5 - 2 lít nước, mùa hè có thể uống nhiều hơn.
Một trong những quan niệm ăn uống sai lầm lớn nhất của bệnh nhân ung thư cũng như người dân lâu này đó là “ăn gì bổ đó”. Ví dụ như đau gan thì ăn nhiều gan động vật, đau tim thì ăn nhiều tim.
PGS Lâm khuyến cáo chưa có công trình nào chứng minh điều đó. Tuy nghiên tác dụng ngược thì đã rõ.
Ngoài ra bệnh nhân nên luyện tập thể dục thể thao thường xuyên nâng sức đề kháng. PGS Lâm cũng thừa nhận thực trạng là nhiều bệnh nhân ung thư do hoàn cảnh quá khó khăn nên việc ăn uống chưa đảm bảo dưỡng chất.
Vị chuyên gia kiến nghị nếu các cơ quan chức năng như bảo hiểm y tế xem xét hỗ trợ chi phí ăn uống cho người bệnh ung thư sẽ giúp cải thiện đáng kể thực trạng trên.
Hiện nay Viện dinh dưỡng giao khoa lâm sàng tiết chế là đơn vị kết hợp với các bệnh viện khác tư vấn, nghiên cứu chế độ dinh dưỡng đối với từng nhóm bệnh cụ thể.