Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyên gia lạc quan về kinh tế năm 2015

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế Việt Nam năm 2015 sẽ hội nhập sâu rộng và tạo đà thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Trong khi đó, lạm phát là điều không đáng lo.

Tăng trưởng GDP có khả năng đạt 6,5%

Kinh tế Việt Nam năm 2015 sẽ hội nhập sâu rộng và tạo đà thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Đó là nhận định và đánh giá của đa số các chuyên gia kinh tế.

Ông Lê Vĩnh Tân- Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương cho rằng, năm 2015 kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định sẽ có hàng loạt cơ hội được mở ra. Trong nước lạm phát được kiềm chế khá tốt, lãi suất giảm, tỷ giá ổn định… Ngoài ra, giá dầu thô thế giới đang giảm mạnh sẽ  tạo điều kiện cho DN sản xuất phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu có cơ may thoát khỏi khó khăn.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế 2015, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định mục tiêu tăng trưởng năm 2015 là hoàn toàn khả thi.

Dựa trên phân tích định lượng, UBGSTCQG dự báo tốc độ tăng trưởng quý 1/2015 sẽ là 5,4%, cao hơn cùng kì 2014. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong các quý tiếp theo và mục tiêu tăng trưởng 6,2% cả năm 2015 là khả thi.

 
Chuyên gia lạc quan về kinh tế năm 2015 - Ảnh 1
Nhiều chuyên gia kinh tế còn tin tưởng, quyết tâm cải cách của Chính phủ có thể giúp tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2015 không dừng ở mức 6,2% như dự kiến.

“Trong năm nay, có khả năng GDP sẽ vượt trên 6,2% hoặc có thể sẽ là 6,5%, cao hơn kế hoạch đề ra. Trong giai đoạn 2016-2020, mức tăng GDP khoảng 6,5-7%, lạm phát khoảng 5-6%”- TS Trần Du Lịch,- Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội nhận định.

TS Trần Du Lịch nhấn mạnh, năm 2014 đã có trên 15.500 doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề “sống lại” đã và đang là tiền đề tốt cho nền kinh tế phát triển trong năm 2015.

Lạm phát ở mức 3%

Ban Kinh tế Trung ương nhận định, lạm phát thực (loại bỏ yếu tố giá xăng dầu và lương thực thực phẩm) trong năm 2015 được dự báo vào khoảng 3% và cao nhất là 3,3%. Do đó, lạm phát là điều không đáng lo.

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia phân tích: Lạm phát ở mức thấp trước sức ép suy giảm giá dầu và giá hàng hóa - chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục đà giảm. Lạm phát cơ bản (dựa trên CPI so với cùng kỳ loại trừ giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa cơ bản và dịch vụ công) đã giảm xuống 2,6% sau 4 tháng (từ tháng 9 đến tháng 12/2014) ổn định quanh mức 3%. Kết quả này cùng với việc lạm phát cơ bản bình quân các năm qua giảm mạnh, Uỷ ban giám sát tài chính nhận định lạm phát cơ bản năm 2015 sẽ ở mức khoảng 3%.

Trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, Uỷ ban Giám sát tài chính dự báo việc giảm giá dầu thô năm 2015 sẽ tác động làm CPI bình quân năm 2015 giảm khoảng 1,1 điểm phần trăm so với lạm phát bình quân năm 2014 và đạt khoảng 3%.

Trong khi đó, lãi suất phụ thuộc nhiều vào lạm phát và lượng cung tiền của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). NHNN đầu năm nay có đề ra mục tiêu cố gắng đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn xuống dưới 10%/năm, do đó chắc chắn NHNN sẽ điều chỉnh cung tiền để đạt mục tiêu. Tuy nhiên mục tiêu này không dễ đạt được. Bởi lẽ, nếu trái phiếu chính phủ tiếp tục được phát hành nhiều như hiện nay và không có sự phối hợp chặt chẽ các chính sách thì đến cuối năm 2015, cụ thể là vào khoảng quí III/2015, có thể sẽ hình thành một mặt bằng lãi suất mới, cao hơn hiện tại. Mặc dù lãi suất có thể sẽ cao không nhiều nhưng doanh nghiệp đang trong tình trạng khó khăn như hiện nay, mà gặp phải tình trạng lãi suất vay tăng lên, đầu tư của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, Chính phủ phải phối hợp chặt chẽ các chính sách, nếu không, lãi suất rất dễ tăng lên, đi ngược lại với chủ trương cải cách kinh tế, hồi phục hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng phải lưu ý vấn đề này để có hướng kinh doanh phù hợp.

Tận dụng cơ hội bứt phá

Theo số liệu thống kê, những tín hiệu như sản xuất và tiêu dùng đang được cải thiện.  Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2015 tăng 17,5% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 19,4%, cao hơn nhiều so với mức tăng của tháng 1/2014 và mức tăng bình quân các tháng của năm 2014.

Tham khảo chỉ số PMI (HSBC) cho thấy điều kiện sản xuất tiếp tục được mở rộng. Chỉ số PMI tháng 12/2014 đạt 52,7 điểm – cao nhất kể từ tháng 4/2014. Đồng thời, chỉ số giá cả đầu vào tháng 12/2014 dưới 50 điểm và là tháng có tốc độ giảm mạnh nhất trong vòng 2 năm rưỡi. Giá cả của các nhà cung cấp thấp hơn, chi phí vận chuyển giảm, và chi phí nhiên liệu giảm được cho là đã làm giảm chi phí sản xuất.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính, niềm tin kinh doanh và đầu tư đang được củng cố và duy trì vững chắc. Cải cách hành chính và thể chế mạnh mẽ theo hướng cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư theo hướng thị trường, bình đẳng, minh bạch hơn đã duy trì và củng cố vững chắc niềm tin kinh doanh, đầu tư trên thị trường.

Chỉ số BCI về niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam cũng tăng mạnh kể từ quý 4/2013, đạt 78 điểm tại quý 4/2014; mức cao thứ hai kể từ năm 2010.

Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Năm 2015 là năm của sự hội nhập sâu rộng, đây vừa là cơ hội to lớn cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng.

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng chưa có một quốc gia nào như Việt Nam khi trong một thời gian ngắn đã đàm phán và tham gia một loạt các hiệp định kinh tế song phương và đa phương. Điều này không chỉ mang lại những cơ hội to lớn về phát triển kinh tế, thương mại vả đầu tư mà còn mở rộng cánh cửa hội nhập kinh tế cho các doanh nghiệp Việt Nam. Song cần lường trước tình hình cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp ngoại tham gia vào thị trường Việt Nam cũng như việc cắt giảm các dòng thuế nhập khẩu…

Tuy nhiên, theo TS Trần Du Lịch, việc kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng tạo ra nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức đòi hỏi doanh nghiệp phải hết sức tỉnh táo để đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp.

Mặt khác, TS Trần Du Lịch còn cho biết: năm 2014, nền kinh tế vẫn tồn tại 3 nhóm doanh nghiệp: Nhóm 1 là doanh nghiệp mạnh tiếp tục tồn tại phát triển, nhóm 2 là doanh nghiệp đang chống đỡ để tồn tại, nhóm 3 là doanh nghiệp đã “chết” và “không còn thuốc chữa”. Hiện nay, chính sách kinh tế đang tập trung vào nhóm 2 để nhóm này khởi sắc, trở thành nhóm 1 chứ không trở thành nhóm 3. Theo đó, Chính phủ nên để thị trường trở về đúng quy luật của nó và tự sát nhập để kinh tế ổn định và phát triển hơn.

Trong khi đó, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, tại Diễn đàn kinh tế 2015 do Ban này tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015 là phục hồi trên nền tảng cũ - nền tảng dựa vào lao động giá rẻ và bán tài nguyên khô. Như vậy, trong 5 năm tới, sự tăng trưởng này là tăng trưởng vét.

Trong tương lai, nếu không đẩy mạnh cải cách công nghệ, không phát triển công nghiệp phụ trợ, thì đà tăng trưởng của nền kinh tế sẽ dần dần hết. 

Các chuyên gia cũng cảnh báo, cùng với nguy cơ “bong bóng” bất động sản có thể quay trở lại thì rủi ro lớn nhất của Việt Nam trong thời gian tới chính là vấn đề buôn lậu và gian lận thương mại. Đây là vấn đề ở tầm quốc gia, nhưng chế tài quản lý vấn đề này còn rất yếu.

Năm 2015, nên chú trọng những rủi ro đến từ hiệp định thương mại tự do, hàng lậu và gian lận thương mại, nợ xấu, hay việc Mỹ tăng lãi suất. Bên cạnh đó, có chuyên gia cũng lo ngại các hiệp định thương mại tự do như TPP, FTA chỉ là cơ hội nếu  các doanh nghiệp trong nước biết chuẩn bị nội lực, còn nếu không, “hụt hơi” ngay trên sân nhà là không thể tránh khỏi.  

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không vực dậy được khối doanh nghiệp dân doanh và có những doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp trong nước sẽ phải làm thuê trên sân nhà cho các ông chủ đến từ: Thái Lan, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan… Những doanh nghiệp lớn hiện nay chủ yếu có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DN nhà nước ở một số ngành, còn doanh nghiệp dân doanh quy mô rất nhỏ. Ví dụ, doanh nghiệp Thái Lan đã thâu tóm một số chuỗi bán lẻ trong nước (Nguyễn Kim bán 49% cổ phần…) trong tương lai hàng Việt khó có thể chen chân vào các hệ thống siêu thị trong nước cũng như xuất khẩu./.