Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyên gia lạc quan về kinh tế Việt Nam năm 2016

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng trưởng năm 2016 được ước đạt 6,82%, lạm phát dưới 5% (4,37%), trong khi tăng trưởng xuất khẩu khoảng 10,4%, cao hơn năm 2015...

Những dự báo lạc quan này vừa được các chuyên gia của Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) công bố chiều 28/1. Lý giải về những dự báo của CIEM, ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM cho biết, năm 2016 đầu tư tư nhân và FDI sẽ tăng trưởng tốt hơn do môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng hơn, đầu tư công có thể tăng nhanh hơn. 

Năm 2016, Việt Nam đứng trước cơ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hơn do đã ký kết và thực hiện nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh kinh tế Á – Âu, Hàn Quốc, Cộng đồng AEC thành lập cuối năm 2015…
Tăng trưởng năm 2016 được ước đạt 6,82%, lạm phát dưới 5%
CIEm dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2016  ước đạt 6,82%, lạm phát dưới 5%
Việc hoàn tất đàm phán FTA với EU và TPP – nhiều khả năng được hoàn tất phê chuẩn trong năm 2016 – sẽ là những bước ngoặt quan trọng đối với cải cách ở Việt Nam. Cùng với đó là sự kỳ vọng cao của nhà đầu tư, DN và người dân vào bộ máy điều hành mới sẽ sớm được thiết lập.

Tuy nhiên, ông Cung cảnh báo năm 2016, kinh tế Việt Nam cũng tiềm ẩn những rủi ro do kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố bất định. Đà hồi phục của kinh tế thế giới còn chậm, cụ thể là kinh tế Mỹ đã ra tín hiệu ngừng nới lỏng tiền tệ cho thấy sự hồi phục của nền kinh tế này chưa vững chắc. Xu hướng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi như Trung Quốc, riêng vốn rút khỏi Trung Quốc từ tháng 6/2014 – 11/2015 là 1.000 tỷ USD. Giá nhiều hàng hóa trên thị trường thế giới giảm, kể cả với các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam...

Bên cạnh những yếu tố rủi ro từ bên ngoài thì bất định còn đến từ chính môi trường chính sách trong nước. Đó là chất lượng cải cách có thể chưa tương xứng với yêu cầu thực tế, áp lực đối với tỷ giả và lãi suất trong khi trong bối cảnh USD và lãi suất ở Mỹ tăng, áp lực từ phát hành trái phiếu Chính phủ đối với lãi suất và tín dụng cho DN, khả năng lạm phát tăng trở lại do thâm hụt ngân sách và tăng giá các mặt hàng và dịch vụ do nhà nước kiểm soát…

Từ những phân tích kể trên, nhóm nghiên cứu CIEM kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, cần giảm tính chi phối của chính sách tài khóa, cụ thể hướng dần đến giảm thâm hụt ngân sách còn 4% GDP ngay trước khi Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) có hiệu lực; bảo đảm kỷ luật chi và kỷ luật phát hành trái phiếu Chính phủ… Mặt khác, ổn định lạm phát cần là ưu tiên cao nhất của chính sách tiền tệ trong năm tới.

Chuyên gia Lê Đăng Doanh bổ sung: “Khâu phân phối của chúng ta quá yếu, thiếu tính chuyên nghiệp và thiếu tính kết nối. Chất lượng nguồn nhân lực cũng chưa tốt. Do đó, muốn hội nhập thành công thì phải cải cách mạnh mẽ”.

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh cần phải được cải thiện hơn nữa thông qua việc thực thi một cách hiệu quả Nghị quyết 19 của Chính phủ, nâng cao nhận thức tiến tới xây dựng văn hóa về “cạnh tranh bình đẳng” trong DN, giảm sự chèn lấn của khu vực công đối vói khu vực tư nhân… Có như vậy, các nhà đầu tư, cộng đồng DN và dân cư mới có niềm tin, động lực để gia tăng đầu tư, sản xuất kinh doanh, mang lại sự tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế nói chung.