Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyên gia "mách nước" giúp Việt Nam cải thiện năng suất lao động

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Năng suất lao động là chỉ số chính phản ánh tăng trưởng bền vững, khả năng cạnh tranh và hiệu quả trong sử dụng lao động của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn đang có một khoảng cách rất lớn về năng suất lao động giữa các ngành, cũng như khi so sánh với các nước khác trong cùng khu vực".

TS Đặng Đức Anh - Trưởng Ban Phân tích và Dự báo (Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá như vậy tại hội thảo “Năng suất và đổi mới sáng tạo , động lực cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2018 - 2020" diễn ra sáng 24/11.

 
Số liệu tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân giai đoạn 2006 - 2016 của 20 ngành kinh tế cấp 1 cho thấy bức tranh sáng lạn, tất cả các ngành kinh tế đều có tốc độ tăng trưởng dương, tuy nhiên có tới 11/20 ngành kinh tế đạt được giá trị tăng trưởng dương không phải do đóng góp chủ yếu của tăng năng suất lao động. Trong đó, có 4/20 ngành suy giảm năng suất lao động bình quân giai đoạn 2006 - 2016 và 7/20 ngành tăng trưởng giá trị tăng thêm dựa vào tăng trưởng lao độngtrong tốc độ tăng trưởng chưa đạt mức lý tưởng 60%.
Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam có tới 1/2 số ngành tăng trưởng giá trị thêm không dựa vào tăng năng suất lao động. Nói cách khác nền kinh tế tăng trưởng theo bề rộng, mặc dù có tăng trưởng kinh tế nhưng không bền vững, chưa có đổi mới sáng tạo, nâng cao khoa học công nghệ, năng lực nghiên cứu phát triển và nâng cao năng suất lao động
Theo TS Đức An, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến năng suất lao động Việt Nam thấp chính là chất lượng giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, cơ cấu đào tạo chưa hợp lý, thiếu lao động chất lượng cao, chưa chú trọng đào tạo lại và đào tạo nâng cao. Đất nước đang đứng trước nguy cơ tụt hậu về nguồn nhận lực, đang dần mất đi lợi thế về chi phí lao động thấp.
“Yếu tố hội nhập có thể tạo ra tác động tiêu cực tới năng suất nếu như năng lực hấp thu công nghệ của DN kém, môi trường kinh doanh, đầu tư không được cải thiện phù hợp. Như vậy, bên cạnh tăng cường hội nhập, Nhà nước cần tăng cường cải cách dài hạn”. Đó là chú trọng yếu tố đầu vào, tích lũy vốn đầu tư (bao gồm cả vốn nhân lực) là nhân tố đặc biệt quan trọng cho việc nâng cao năng suất và tăng trưởng kinh tế trong cả ngắn hạn và dài hạn. Cải cách thể chế giúp nền kinh tế ứng phó tốt với những điều kiện thay đổi và thúc đẩy đổi mới, tác động tích cực tới hoạt động kinh doanh của DN, tránh công nghệ lạc hậu, qua đó làm tăng năng suất của nền kinh tế.
GS John FitzGerald - Khoa Kinh tế, Đại học Trinity Dublin chia sẻ, để cải thiện năng suất, Việt Nam cần tập trung đầu tư vào 3 yếu tố: Vốn, khoa học công nghệ và con người. Trong đó, quan trọng nhất, để phát triển kinh tế một cách bền vững và bảo đảm bắt kịp các nước đã phát triển thì Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào thúc đẩy tăng năng suất thông qua phát triển khoa học, công nghệ, kỹ thuật. Cần phải giải quyết đồng bộ nhiều yếu tố tác động đến năng suất lao động như: Công nghệ, cơ cấu kinh tế, trình độ, kỹ năng người lao động, môi trường làm việc, thị trường, thủ tục hành chính...