Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 43/QĐ-BYT (Quyết định 43) ngày 7/1/2022 về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 3588/QĐ-BYT (Quyết định 3588) ngày 26/7/2021 về hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.
Theo đó, tại Quyết định 43, Bộ Y tế đã thay thế 3 phụ lục 4, 5, 6 bằng các phụ lục tương ứng, bao gồm:
Phụ lục 4: Giấy xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19.
Phụ lục 5: Mẫu báo cáo kết quả tiêm hàng ngày.
Phụ lục 6: Mẫu báo cáo kết thúc đợt triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19.
Các nội dung khác về tổ chức buổi tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 thực hiện theo Quyết định 3588 của Bộ Y tế. Đáng lưu ý, tại Quyết định 43, mẫu giấy xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19 được bổ sung các thông tin về tiêm liều cơ bản, liều bổ sung, liều nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tổng số mũi tiêm trên giấy xác nhận là 7 mũi, so với mẫu ban hành trước đó chỉ là 2 mũi tiêm (liều cơ bản).
Mẫu giấy xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19 sau khi được Bộ Y tế ban hành đã thu hút sự quan tâm của dư luận vì số lượt tiêm vaccine trên mẫu lên đến 7 mũi. Nhiều người băn khoăn cho rằng, việc cập nhật 2 mũi tiêm cũ thế nào trong mẫu mới cũng như việc tiêm nhiều như vậy có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không?
Liên quan đến vấn đề này, TS Phạm Quang Thái - Trưởng Phó Trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, có một số nội dung người dân cần hiểu thế nào gọi là mũi cơ bản, mũi bổ sung và mũi nhắc lại. Với vaccine Covid-19, để có miễn dịch bảo vệ, người đó cần được tiêm liều cơ bản. Sau khi tiêm vaccine liều cơ bản, có thêm mũi tiêm bổ sung và mũi tiêm nhắc lại giúp tăng cường miễn dịch của cơ thể.
Liều cơ bản là liều được các nhà sản xuất vaccine hướng dẫn và thực hành tiêm chủng đủ. Mỗi hãng sản xuất vaccine Covid-19 sẽ có số liều cơ bản khác nhau. Đơn cử như vaccine AstraZeneca, Pfizer, Moderna,... có liều cơ bản là 2 mũi; vaccine Abdala của Cuba có liều cơ bản là 3 mũi nhưng vaccine Janssen của hãng Johnson&Johnson chỉ có 1 mũi. Sau một thời gian, miễn dịch của cơ thể với liều cơ bản bị giảm dần. Khi đó, người dân sẽ cần tiêm tăng cường mũi bổ sung (cho các trường hợp đáp ứng miễn dịch yếu, người có bệnh nền…), hoặc tiêm mũi nhắc lại cho những người đã tiêm đủ liều cơ bản.
Theo TS Phạm Quang Thái, hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực bao phủ vaccine và có tốc độ tiêm vaccine rất nhanh, kể cả mang vaccine đến tận nhà tiêm cho người dân. Theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế, việc tiêm mũi tăng cường (nhắc lại hay bổ sung) đang được triển khai nhanh để sẵn sàng đối phó với cơn sóng Covid-19 mang biến thể Omicron. Với những nỗ lực đó, hi vọng chúng ta có thể có được miễn dịch cộng đồng trước khi Omicron bành trướng. Theo quy định của Bộ Y tế, tất cả người dân đã tiêm vaccine Covid-19 đều sẽ nhận được giấy xác nhận tiêm có đầy đủ thông tin về thời gian tiêm, tên người tiêm, tên loại vaccine được tiêm...
Bên cạnh đó, có đóng dấu xác nhận của đơn vị thực hiện tiêm chủng. Do đó, nếu người dân đã hoàn thành việc tiêm chủng nhưng chưa hoặc không được cấp giấy cần liên hệ đến nơi tiêm để được hướng dẫn về vấn đề này.
Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế cho rằng, hiện có nhiều loại vaccine phải tiêm nhiều lượt. Đơn cử như vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván của trẻ em. Tiêm mũi đầu tiên lúc hơn 2 tháng tuổi, sau đó 18 tháng tiêm nhắc lại và đến 5 tuổi tiêm nhắc lại và 13 tuổi lại tiêm nhắc lại một lần nữa. Với cúm thì vaccine được tiêm hằng năm bởi vì cúm luôn luôn biến chủng. Mỗi năm phải lấy chủng mới để sản xuất vaccine mới. Vaccine cúm có thời hạn 6 tháng.
Phân tích về phiếu tiêm chủng, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, việc có số lần tiêm chủng như vậy là để nếu người dân có phải tiêm chủng nhiều lần thì không phải ban hành lại. Còn nếu cứ tiêm thêm mỗi lần ban hành lại là không cần thiết. Hiện nay, phải tiêm bao nhiêu liều vaccine Covid-19 còn phụ thuộc vào diễn biến của dịch, vào các biến chủng và vaccine sản xuất. Người dân trước mắt cứ tiêm liều bổ sung và tiêm liều nhắc lại. Còn sau này, Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu như cúm lại phải tiêm chủng hằng năm.