Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyển hướng phù hợp

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự kiện TP Hồ Chí Minh thành lập Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế quận 7 nhận được nhiều sự chú ý của dư luận.

Đây là một trong những tín hiệu tốt để chuyển hướng chiến lược trong phòng chống dịch, để vừa thích ứng an toàn, dần phục hồi lại phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn kiểm soát dịch.
Hiện nhiều địa phương trong cả nước cũng đã thể hiện những quan điểm và hướng đi mới trong phòng, chống dịch để phù hợp với thực tiễn hiện nay. Dịch dường như không thể chấm dứt tuyệt đối, việc linh hoạt các giải pháp để sống chung an toàn với dịch là điều đã được tính tới. Với TP Hồ Chí Minh, hiện nay việc chống dịch của TP đã chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch. Trong đó kiểm soát là công việc quan trọng nhất, để đáp ứng các yêu cầu khác. Việc thành lập Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch và khôi phục kinh tế đầu tiên trước khi nhân rộng ra các địa bàn khác là một hướng đi được dư luận đồng tình. Trung tâm này sẽ mang đến nhiều hiệu quả, ngoài cập nhật số liệu, hệ thống thông tin, điều hành, sẽ cập nhật quản lý F0, còn là công cụ hỗ trợ cho chính quyền trong nhận diện “Hộ kinh doanh xanh”, “Doanh nghiệp xanh”, “Cá nhân xanh” và “Tổ dân phố xanh”… Đồng thời, thông qua hệ thống camera giám sát tại khu chế xuất và trên đường phố có thể phát hiện kịp thời các trường hợp không tuân thủ giãn cách xã hội, không thực hiện 5K…

Không chỉ TP Hồ Chí Minh, các địa phương khác cũng đang chuyển hướng trong phòng, chống dịch. Ngay trong các Ban Chỉ đạo của các tỉnh, TP cũng bổ sung thêm tổ hoặc tiểu ban liên quan đến phục hồi sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa. Như tại Hà Nội, trong Quyết định về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo TP vừa ban hành, đã có thêm Tiểu ban Sản xuất và lưu thông hàng hóa. TP cũng tiếp tục nới lỏng thêm một số dịch vụ, kinh doanh trên cơ sở đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch nghiêm túc. Việc phong tỏa các điểm có ca bệnh cũng được thực hiện theo hướng “phong tỏa hẹp, quản lý chặt” để những nơi nào an toàn, đã kiểm soát được dịch bệnh, vừa tiếp tục kiểm soát an toàn, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hay tại tỉnh Hà Nam, nơi vừa phát sinh “điểm nóng” về dịch thay vì như dự kiến giãn cách xã hội toàn bộ TP Phủ Lý theo Chỉ thị 16 với khoảng 180.000 dân, tiếp thu quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh đã quyết định chỉ giãn cách một số điểm. Ví dụ, có phường 12.000 dân nhưng chỉ phong tỏa một ngõ có 36 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu. Việc này giúp tỉnh không mất quá nhiều nguồn lực cho việc cung cấp nhu yếu phẩm để tập trung nguồn lực cho các việc khác như xét nghiệm. Đồng thời, tránh được những khó khăn về lưu thông hàng hóa, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân, ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội khi phong tỏa quá rộng.

Có thể nói rằng, khi dịch bệnh còn kéo dài, việc linh hoạt các chính sách, biện pháp để thích ứng cần tính đến tác động lâu dài; xử lý hài hòa các mối quan hệ giữa y tế và kinh tế - xã hội. Việc thay đổi phương thức, khởi động một số mô hình mới, là cơ sở để các địa phương có thể chuyển sang giai đoạn thích ứng với Covid-19, khôi phục kinh tế, đảm bảo các điều kiện an toàn trong sản xuất - kinh doanh để duy trì hiệu quả công tác phòng, chống dịch.