Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyên nghiệp hóa đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật Báo chí sau 16 năm thi hành có nhiều điểm không còn phù hợp với thực tiễn. Việc...

Kinhtedothi - Luật Báo chí sau 16 năm thi hành có nhiều điểm không còn phù hợp với thực tiễn. Việc sửa đổi Luật là cần thiết, cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013 về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật; tạo khung pháp lý phù hợp để sắp xếp, tổ chức lại hệ thống báo chí, tạo điều kiện cho báo chí phát triển lành mạnh, hiệu quả và đúng định hướng.

PGS.TS Nguyễn Văn Dững - Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị xung quanh Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi.Chuyên nghiệp hóa đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí - Ảnh 1

Với tư cách là người làm báo và nghiên cứu - đào tạo, giảng dạy báo chí, ông quan tâm nhất đến điều gì trong Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi?

- Với tư cách là người làm báo và nghiên cứu - đào tạo, giảng dạy báo chí, tôi quan tâm 4 vấn đề lớn. Một là, Luật Báo chí cần có độ mở tương thích để bảo đảm tự do hoạt động của nhà báo trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Hai là, bảo đảm tự do ngôn luận trên báo chí cho mọi công dân, để báo chí thực sự là diễn đàn của Nhân dân đóng góp xây dựng và lành mạnh hóa các mối quan hệ kinh tế - xã hội. Ba là, lấy tiền đâu để làm báo, tức là cơ sở kinh tế của hoạt động báo chí. Bốn là, ai là người đứng đầu cơ quan báo chí? Điều này đòi hỏi phải chuyên nghiệp hóa đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí, tránh tình trạng người đứng đầu cơ quan báo chí năng lực kém.

Phải chăng ông muốn nhấn mạnh đến nền dân chủ trong báo chí?

- Đúng vậy! Nếu 4 vấn đề trên đây được bảo đảm, báo chí mới có thể góp phần phát huy dân chủ trong Nhà nước “của dân, do dân, vì dân” và là thiết chế xã hội khơi thức sức mạnh của nền dân chủ Nhân dân giúp Đảng và Nhà nước kiểm soát quyền lực, chống lạm dụng quyền lực, để lấy lại niềm tin của người dân. Như vậy, đất nước mới có thể phát triển bền vững.

Vậy, ông mong những vấn đề này sẽ được quy định cụ thể thế nào trong Dự thảo Luật?

- Quy định cụ thể thì có nhiều điều cần bổ sung và sửa chữa. Ví dụ như quyền tiếp cận nguồn tin của nhà báo là không ai được cản trở và cần có chế tài nghiêm xử lý những ai cản trở nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật; quyền được ra báo nên được mở rộng và thu hẹp với các cơ quan, tổ chức. Chẳng hạn, cần mở rộng quyền được thành lập cơ quan báo chí của các tổ chức đoàn thể, hiệp hội và hạn chế thành lập cơ quan báo chí của những cơ quan nắm giữ quyền lực như Viện Kiểm sát, Tòa án...

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí không được chi tiêu vào tiền thuế của dân hay ngân sách Nhà nước, ngoại trừ các nhóm cần được bao cấp là dòng báo Đảng (của T.Ư và các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư); các tạp chí khoa học, tạp chí lý luận chính trị và dòng báo chí cho trẻ em cần được khuyến khích. Như vậy, Nhà nước sẽ không bao cấp cho báo chí tràn lan; đồng thời mở rộng hành lang cho kinh tế báo chí - truyền thông phát triển. Khuyến khích những cơ quan báo chí có công chúng, tự lo cân đối thu - chi và hoạt động đúng pháp luật.

Mặt khác, phải đề cao trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm đạo đức trước pháp luật và dư luận xã hội của người làm báo, trước hết là người đứng đầu cơ quan báo chí. Do đó, cần quy định cụ thể và chặt chẽ điều kiện ra báo, điều kiện cấp thẻ nhà báo, người đứng đầu cơ quan báo chí và cơ sở kinh tế của hoạt động báo chí.

Xin cảm ơn ông!