Song đội ngũ này lại là nguyên nhân của những bất cập trong hoạt động giao thông, thậm chí gây mất trật tự ATGT. Quản lý chặt, phát triển đội ngũ "xe ôm" chuyên nghiệp là việc cấp bách cần phải làm, tiến tới thành phương tiện công cộng hữu ích, phát huy tối đa lợi ích di chuyển thuận tiện, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí. Nhiều bất cập Ở các quốc gia phát triển, taxi và tàu điện ngầm là những phương tiện giao thông công cộng rất phổ biến, chiếm tỷ trọng vận chuyển khách lớn. Nhưng ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, xe ôm là một trong ba loại hình giao thông có tính chất công cộng phổ biến, được đa phần người dân lựa chọn là phương tiện để di chuyển mỗi khi có nhu cầu. Ưu điểm của loại hình giao thông này là giá rẻ hơn so với taxi, phù hợp với túi tiền của nhiều người dân. Hơn nữa lại rất cơ động, đi được vào trong các ngõ nhỏ, dễ "thoát" khi xảy ra tắc đường.
Xe chở khách tính cước bằng đồng hồ của Công ty Thân Thiện. Ảnh: Nguyễn Trang |
Người hành nghề xe ôm chủ yếu là người dân nghèo, người có thu nhập thấp, trong đó có tới 60% là lao động tự do hoặc bộ đội phục viên, sinh viên… Họ làm xe ôm nhằm tìm thêm nguồn thu nhập, phần cũng dễ làm, đầu tư, trang bị không quá cầu kỳ như các ngành nghề khác. Chỉ cần một chiếc xe máy và hai chiếc mũ bảo hiểm, tìm một vị trí phù hợp là họ có thể tự do hành nghề xe ôm, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân một cách dễ dàng. Hoạt động của người hành nghề xe ôm thường không cố định tại một điểm và càng không bị bó buộc về thời gian. Chính điều đó đã gây khó khăn cho công tác quản lý, nảy sinh nhiều bất cập.
Tại những bến xe lớn của Thủ đô như Mỹ Đình, Giáp Bát, Yên Nghĩa, Gia Lâm… luôn có rất đông xe ôm hoạt động. Mỗi khi có xe khách vào bến, cả chục lái xe ôm bám theo, tranh giành lôi kéo khách, khiến hành khách rất khó chịu. Thậm chí, gây gổ, đánh lộn lẫn nhau, gây mất trật tự an ninh xã hội. Tình trạng xe ôm chèo kéo khách không chỉ xảy ra tại các bến xe, mà còn tại nhiều điểm dừng xe buýt, tại các danh lam thắng cảnh nổi tiếng có nhiều khách du lịch của Thủ đô, trước cổng các bệnh viện… gây mất trật tự ATGT, cản trở việc di chuyển của người và các phương tiện tham gia giao thông. Nhiều nơi, xe ôm đứng tràn cả xuống lòng đường gây cản trở giao thông, đỗ lấn chỗ trong điểm dừng của xe buýt. Chưa kể, vì tham lợi, nhiều xe ôm còn "kẹp" hai, "kẹp" ba. Thêm vào đó, hiện tượng lừa đảo, "chặt chém" khách với giá cao, trộm đồ của khách vẫn thường xuyên xảy ra. Với những lý do đó, xe ôm đang dần trở thành vấn nạn của xã hội, nguyên nhân của sự mất trật tự ATGT, tiềm ẩn hiểm nguy TNGT. Siết chặt quản lý, nâng cao tính chuyên nghiệp Không thể phủ nhận những tiện ích mà xe ôm mang lại, nhưng nhiều khi vì đồng tiền bát gạo, vì mưu sinh, người lái xe ôm sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để moi tiền khách làm ảnh hưởng đến trật tự ATGT. Để giải quyết được những bất cập do xe ôm gây ra, các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền phải làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục nhắc nhở những người hành nghề xe ôm không làm ảnh hưởng đến trật tự ATGT, ảnh hưởng đến hình ảnh của Thủ đô. Bên cạnh đó, phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, những hành vi lợi dụng việc hành nghề xe ôm để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gây mất an ninh trật tự, để răn đe, nâng cao ý thức trách nhiệm người hành nghề. Do đối tượng hành nghề chủ yếu là lao động tự do, hoạt động không ổn định, nên cần có một cơ quan, tổ chức đứng ra quản lý họ để hoạt động xe ôm đi vào chuyên nghiệp hóa, đảm bảo trật tự, không gây ảnh hưởng đến giao thông. Cần nhân rộng mô hình xe ôm như hoạt động của taxi, xe ôm thân thiện. Người hành nghề xe ôm thuộc các công ty được mặc áo đồng phục, gắn biển hiệu của công ty quản lý, xe được gắn đồng hồ tính tiền... Nhà nước cần có các chương trình, kế hoạch hỗ trợ phát triển mô hình các công ty cung cấp dịch vụ xe ôm, đưa xe ôm trở thành dịch vụ chuyên nghiệp. Nếu cơ quan chức năng không làm tốt công tác quản lý hoạt động của xe ôm sẽ khiến hoạt động của loại hình này ngày càng trở thành vấn nạn của xã hội, mối hiểm nguy của an toàn trật tự giao thông và cuộc sống người dân. Nhưng nếu có chế tài quản lý chặt chẽ, loại hình xe ôm sẽ trở thành phương tiện công cộng hữu ích.