Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyện nhà đất xóm tôi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thời buổi thành phố ngày càng mở rộng thì cuộc sống nói chung, đất đai nhà cửa nó riêng cứ dần lùi xa.

KTĐT - Thời buổi thành phố ngày càng mở rộng thì cuộc sống nói chung, đất đai nhà cửa nó riêng cứ dần lùi xa.

 

Khi có nhà đầu tư nào đó cần xây một tòa cao ốc hoành tráng tại trung tâm thành phố, thì những hộ gia đình ở quận 1, quận 3 trong phạm vi đó sẵn sàng nhận đền bù tiền tỷ để di dời. Họ nhắm đến những quận xa hơn như Bình Thạnh, Gò Vấp chẳng hạn để mua đất, cất nhà rộng rãi hơn, đàng hoàng hơn mà vẫn dư tiền gởi ngân hàng lấy lãi. Những người ở Bình Thạnh, Gò Vấp bán nhà thì lại lùi đến những nơi xa hơn một chút như Thủ Đức, quận 9… Xóm tôi cũng vậy, ngày xưa nó chẳng khác một ngôi làng nghèo nằm trên một trục đường đất um tùm tre trúc, nổi tiếng với tên xóm gà… Ấy vậy mà, chỉ mới mấy chục năm trở lại đây nó đã thay hình, đổi dạng quá trời, những nhà lầu hai, ba, bốn tầng đã thay thế dần những căn nhà tôn vách gỗ. Cứ mỗi lần một hộ dân trong xóm dọn đi là xuất hiện ngay những gương mặt mới, và dĩ nhiên căn nhà ọp ẹp kia được dỡ đi để xây mới cấp kỳ.


Ông Tư Bon hồi trước có căn nhà cấp bốn, mỗi mụn con gái đi lấy chồng nên còn lại trơ khấc hai vợ chồng già. Gặp lúc địa ốc nháo nhào ông bán được ngay tỷ sáu, một món tiền chỉ có trong mơ. Về quê vợ ở Hóc Môn, được bên vợ cho miếng đất tám chục mét vuông, xây một căn nhà hai tầng hết có năm trăm triệu.


 
Ông hồ hởi: " Bây giờ tôi khỏe re, có nhà cao cửa rộng, tiền lãi gởi ngân hàng mỗi tháng tròm trèm chục triệu dưỡng già". Ông Tư Bon bây giờ cũng khác xa Tư Bon lam lũ ngày xưa, áo bỏ trong thùng, giầy da bóng lộn, lâu lâu nhớ người xưa chốn cũ là ông lại xình xịch chiếc xe tay ga mới cứng về thăm.


Từ bài học nhãn tiền ấy, xóm nghèo của tôi nhộn nhạo hẳn lên, biển bán nhà treo nhan nhản khắp nơi. Có người bán là tự khắc có người mua, như ông Hai Mễn, cứ sáng sớm là hai vợ chồng ông lên xe máy đi biệt dạng suốt ngày, hỏi ra mới biết nhà ông đã có người đặt cọc mua rồi, nên mấy hôm rày hai ông bà chạy đôn, chạy đáo tìm mua đất tận Thủ Đức.


Nhà bà Sáu bán bánh mỳ, hàng xóm của tôi cũng mới bán nhà cho một người ở quận 1, mấy ngày nay đã có thợ đến đập bỏ nhà cũ để lên đời, một nhà lầu ba tầng đã hiển hiện trong tầm tay. Ông chủ mới bảo là gia đình ông sinh sống ở quận 1 đã mấy chục năm, tuy ở trung tâm nhưng chật chội ồn ào. Vào xóm này thấy nhà bà Sáu có cái giếng nước bên cây khế cổ thụ là ông ưng liền, nơi đây vừa yên tĩnh lại thấp thoáng bóng hình cây đa bến nước như ở quê ông ngoài Quảng.


Bà Năm vợ góa của ông Năm "taxi" là nhà khá giả, nhưng cũng chẳng thể bình tâm trước cái sự đổi thay của thời thế, cho đến một ngày tấm biển bán nhà xuất hiện trên cánh cổng có hàng rào râm bụt nhà bà. Chị Ba "tạp hóa" nói với tôi: "Bả nói ởhoài cái nhà cũ chẳng sinh lợi đồng nào, bán đi cầm tiền tỷ về quận 12 mua đất chia cho các con cất nhà cho rộng rãi".


Cứ thế, người cố cựu xóm tôi cứ thưa dần, mà cái trò có thị trường là có cò môi giới. Chưa bao giờ cái xóm nhỏ heo hút của tôi lại thu hút người tứ xứ đến vậy, người mua tìm đến đã đành nhưng giới cò mới thật là thiên binh vạn mã.


Bước ra đường là chạm mặt với cò, người lạ thì bị túm lấy mời: mua dạng nào cũng có, những hộ còn lại trong xóm cũng chẳng thể yên thân, một ngày dăm bảy bận hết cò nọ đến cò kia gõ cổng gạ mua, có chừng nào sẵn sàng mua chừng ấy.


Gia đình tôi vốn nặng nợ với đất này, đã ở đây từ đời ông cố, ông sơ đến đời tôi thuộc hàng chắt, chít, chụt, chịt bao nhiêu không biết nữa. Tình đất, tình người nặng lắm nên tôi chỉ một mực lắc đầu, lắc đến sái cả cổ… Lắc riết, lắc hoài đến nỗi một tay cò vốn mòn gót ngõ nhà tôi phát bẳn. Một lần gã nhăn nhở nửa đùa nửa thật mà rằng: "Cứ nhìn cái cổ mang hình đồng hồ quả lắc của ông, là biết ngay rằng số ông là số khổ!".