Một mẹ “xoay” với chục con
Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng (Hải Phòng) cũng không phải ngoại lệ khi được chia làm nhiều nhà nhỏ, mỗi nhà với khoảng chục trẻ mồ côi, khuyết tật nhưng chỉ có một mẹ nuôi.
Nằm trong góc của khuôn viên làng, nhưng ngôi nhà với tên gọi Vàng Anh luôn ồn ã nhất bởi những tiếng khóc, tiếng la hét của con trẻ. Ồn ã cũng đúng thôi, khi nhà có 7 đứa trẻ thì có tới 6 cháu bị bại não, nằm liệt giường và chỉ biết kêu la trong vô thức. Cháu nhỏ nhất trí tuệ bình thường thì lại mắc bệnh tim bẩm sinh. Cảnh tượng đầu tiên chúng tôi bắt gặp là mẹ nuôi đang chật vật khi một tay ôm đứa nhỏ 11 tháng tuổi bệnh tim, tay kia đẩy xe lăn với một bé khác nằm quặt quẹo.
Người lạ nhìn không quen, nhưng với chị Đoàn Thị Thái (45 tuổi), đây là công việc mà gần chục năm nay ngày nào chị cũng lặng lẽ thực hiện cùng vô vàn những khó khăn khác. Một ngày của chị gần như từ sáng đến tối muộn là một chuỗi liên tục những công việc từ đi chợ, nấu nướng, đút mớm cho đến lau chùi, tắm rửa, thay quần áo cho các con.
Khó khăn lớn nhất đối với chị Thái là những ngày thời tiết thất thường, các cháu khó chịu rồi kêu gào, khóc thét, có khi lên cơn nhưng chị không thể làm gì được. Hay những lúc tắm cho các cháu lớn, một mình chị không bế được cháu ra, hoặc đêm hôm phải lọ mọ sang nhờ thêm một mẹ nữa nhà bên để thay bỉm, đồ khi các con đi vệ sinh. “Hồi đầu mới vào chưa quen nên cũng hơi nản lòng nhưng càng làm càng thương các cháu nhiều hơn, muốn gắn bó với các cháu hơn” - chị Thái nói.
Để hỗ trợ cho các mẹ nuôi, làng trẻ làm hợp đồng với một số phụ nữ ở ngoài phụ giúp thêm trong giờ hành chính, gọi là những “dì nuôi”. Dì nuôi Đào Thị Hạnh (42 tuổi) cho biết: “Khổ nhất là những lúc các cháu gào khóc mà không nói được nên mình không biết cháu đau ở chỗ nào. Những lúc ấy, cảm giác như mình bất lực khi chỉ biết cặp nhiệt độ xem nóng sốt ra sao. Nhiều lúc cũng nhụt chí nhưng rồi nghĩ nếu mình còn chán nản thì các cháu lại khổ thêm nên lại thêm động lực cố gắng vì các cháu”. Thời gian gắn bó ngày càng nhiều, giờ đây chỉ ở nhà vài hôm không gặp lũ trẻ, chị Hạnh lại thấy nhớ và muốn tranh thủ ghé qua để xem tình hình ăn ở của các cháu.
Cách đó không xa là làng trẻ em SOS Hải Phòng cũng với cảnh tương tự với 14 mẹ nuôi. Mẹ nuôi Phạm Thị Hường chia sẻ: “So với lượng công việc thì tiền lương cho các mẹ hiện quá ít. Tuổi càng già ốm đau càng nhiều, có khi tiền lương chỉ vừa đủ tiền thuốc lặt vặt. Như tôi đã làm 20 năm, lương cũng chỉ hơn 4 triệu đồng, nên người vào làm nghề này phải thật tâm huyết thì mới trụ được. So với những nghề khác thì lương quá thấp nhưng nghĩ để các cháu bơ vơ cũng không đành lòng”.
Ngày càng khó có mẹ nuôi
Làm việc đã hơn 20 năm, đã 61 tuổi, bà Hường dù đã đến tuổi về hưu nhưng vẫn được làng trẻ em SOS Hải Phòng giữ lại bởi chưa tìm thêm được người thay thế. Còn làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng dù thông báo tuyển thêm người nhưng đã nửa năm nay vẫn không tìm được người phù hợp. Việc thiếu hụt lực lượng thay thế hiện vẫn đang là bài toán chung chưa có lời giải đối với các trung tâm này. Bởi ngoài thu nhập thấp, nhiều việc làm khác hấp dẫn hơn thì điều kiện tuyển dụng ngặt nghèo cũng là một trong những rào cản lớn.
Bà Lương Thị Hảo - Giám đốc làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng trăn trở: “Mới đây, có một mẹ dù đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng chúng tôi vẫn ký hợp đồng làm việc tiếp bởi rất khó tuyển được người mới. Bởi tiêu chí để có thể trở thành mẹ nuôi khá khắt khe, như không lập gia đình, không có con. Đưa ra những điều này cũng để các mẹ nuôi toàn tâm toàn ý với các cháu, do đó không thể qua loa”.
Ông Tăng Tiến San - Giám đốc làng trẻ em SOS Hải Phòng cũng thừa nhận nhân lực sẽ là bài toán khó chung của các làng trẻ, các địa phương khác trong thời gian tới.
Hàng ngày, mẹ nuôi Đoàn Thị Thái (45 tuổi) vẫn âm thầm chăm lo cho những đứa con dù không phải là máu mủ của mình.
|