KTĐT - Xóm tôi: cư xá Thanh Bình, có lẽ nhờ cái tên ấy mà nó thanh bình thật. Ở nội thành Sài Gòn chắc hiếm có nơi nào còn nghe được tiếng gà gáy sáng như ở xóm này. Tiếng gà gáy báo hiệu một ngày mới cũng là lúc vang lên tiếng bước chân của những người đi tập thể dục.
Người cao gầy kia là bác Hai - một cựu chiến binh đã ngoại thất tuần, nhưng bước đi vẫn còn chắc nịch, con nhà lính có khác! Người thâm thấp đằng sau đi hơi lệch vai một chút là cựu nhạc công chuyên chơi trống. Ông này đi khá chậm, không nhìn ai, thi thoảng hai tay hơi giật giật như một bản năng khi ngồi cạnh bộ gõ trong những dàn nhạc hoành tráng thuở nào.
Có một cặp vợ chồng không sáng nào vắng mặt, ông chồng cao lớn, bà vợ mình dây, họ là cặp " Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài" rất tình tứ, đẹp đôi. Hai người vừa đi vừa thủ thỉ chuyện trò và thường kết thúc buổi tập ở cuối con đường, nơi tọa lạc của căn biệt thự có tường rào trồng nhiều cây bông giấy.
Cửa căn nhà số 8/6 hé mở, một bà mặc bộ đồ xanh, giày và mũ trắng ra nhập dòng người. Tay vung vẩy xâu chìa khóa, bà ấy vứa nhíp đều bước chân vừa khe khẽ hát một bản tình ca thời Tiền chiến. Mùi nước hoa đắt tiền ngào ngạt cả không gian, phụ nữ có khác, làm đẹp ở mọi nơi mọi chốn.
Năm giờ ba mươi, quán bún bò Huế với mấy cái bàn nhựa, ghế nhựa kê sát tường hẻm đã sáng đèn, cô chủ quán trắng trẻo tuổi chạc đầu ba đang lom khom nhóm lửa, ông chồng đen nhẻm chắc cũng đã ngũ tuần thì loay hoay bày biện ly, chén, đũa, muỗng…
Kề bên là quán phở Bắc với nồi nước lèo sôi sùng sục cũng đã sẵn sàng. Quán cà phê cóc ngoài đầu hẻm cũng chuẩn bị xong mọi công đoạn để “Chào buổi sáng". Con hẻm bé tẹo nhưng ai cũng ra sức tận dụng… mặt tiền.
Đoàn người vẫn đi tiếp, xuất hiện thêm những gương mặt quen quen. Đây là cụ Năm đờn, quần soọc, áo thun, giày bata tím thong thả đi bước một. Phía bên là cô Hải chủ tiệm uốn tóc, cô này ít lâu nay tướng tá đâm phát phì đã " chạy thầy, chạy thuốc" nhiều nơi, cuối cùng nhận ra đi bộ thường xuyên là thượng sách. Phía sau một quãng là ba chị em " nhà họ Tống" chủ một tiêm may, cả ba mặc đồ bộ, sải chân dài, tay đánh nhịp như đội duyệt binh, khi đi ngang qua cụ Năm họ cất giọng đùa : " Nhanh lên nào cụ ơi!". Cụ Năm lầu bầu: " Nhanh sao được mà nhanh" và bước chân của cụ vẫn nhẩn nha bình chân như vại.
Sáu giờ ba mươi, chú Chín xe ôm bắt đầu một ngày mưu sinh mới, chú dựng xe đầu hẻm, ngồi ghếch lên yên, châm điếu thuốc lá phì phèo đợi khách. Mấy bà, mấy cô, mấy chị, cũng rời đường tấp vào quán phở, bún bò làm bữa điểm tâm. Cánh mày râu chúng tôi thì luôn hướng về cà phê cóc, mấy bộ bàn ghế liêu xiêu dưới cây trứng cá chả mấy chốc đã phủ kín người. Bàn kia, tay nhạc công trống đang thao thao bình luận mấy trận bóng đá Anh xem trực tiếp hồi đêm, bàn này bác cựu chiến binh ngợi ca cuộc giải cứu 33 thợ mỏ Chi lê là kỳ tích có một không hai của nhân loại… Tiếng nói tiếng cười rổn rảng cả khu chung cư vốn thanh bình yên ả…
Xóm tôi là vậy. Chuyện thường ngày…ở xóm ấy mà! Lâu lâu lại có thêm người mới từ nơi khác chuyển về đây, lạ nhau vài bữa rổi quen ngay trên những cung đường đi bộ. Nhưng lâu lâu lại thấy vắng một đôi người, có người đi làm ăn xa, có người thì…
Vào một buổi sáng mờ sương nào đó, trong lúc chúng tôi vẫn dạo quanh những con đường trong xóm như một vòng quay đều đặn, thì bỗng nghe tiếng kèn, tiếng trống nổi lên trong một căn hộ sáng đèn… Một giọng nói thảng thốt cất lên gió thoảng: " Cụ X. đã đi rồi!". Chả ai bảo ai, chúng tôi đều chậm lại một nhịp chân. Nhịp chân trần gian của chúng tôi hướng về bước chân dài tiễn đưa người về nơi tiên cảnh.