Các trang báo ngập tràn các cụm từ: “Đòi lại vỉa hè”, “cuộc chiến vỉa hè”, “dẹp loạn vỉa hè”, “vỉa hè - đâu lại đóng đấy”… như thể vỉa hè vừa trải qua một cuộc tranh giành ác liệt giữa người dân và chính quyền. Nhưng không, vỉa hè vẫn bình yên, vẫn nguyên đó, có thay đổi chút nào đâu.
Những chuyện vừa qua chẳng qua là thay đổi cách quản lý để vỉa hè thông thoáng, tiện lợi hơn cho người đi bộ, giải quyết dứt điểm một việc trong nhiều việc, để TP tiến tới xanh, sạch, đẹp, văn minh. Chuyện này không thể chốc lát, phong trào. Nó là văn hóa, nên phải được cư xử theo cách ứng xử với văn hóa. Bởi nói cho cùng, vỉa hè là của chung, chỉ có thể giải quyết vấn đề từ ý thức ấy.
Vậy trước khi bàn chuyện vỉa hè, cần thống nhất về nhận thức, đó là vỉa hè của ai và có lợi cho ai? Rõ ràng không chỉ người dân có lợi mà cả chính quyền TP, cả TP đều có lợi. Vỉa hè có 2 chủ thể, chính quyền đô thị (gồm cả những người thay mặt họ) và những người sống trên vỉa hè, bằng vỉa hè (có ít nhất 2 đối tượng: Những nhà có vỉa hè và những người bán rong, buôn bán nhỏ trên vỉa hè, tóm lại là những người mưu sinh trên vỉa hè). Trong mọi cuộc lập lại trật tự vỉa hè, muốn thành công phải cân bằng được lợi ích của 2 nhóm này. Tất cả những việc như dẹp hàng rong, sắp xếp lại chỗ ôtô, xe máy đều sai lầm hoặc ít ra là mới chạm tới hình thức bên ngoài. Việc lập lại trật tự vỉa hè, có căn gốc sâu xa hơn nhiều. Lập luận như thế có xa quá chăng, nhưng không thống nhất được chuyện này, thì không thể giải quyết được chuyện vỉa hè. Đã sống trong xã hội thì phải chịu sự điều tiết của các luật lệ xã hội, khi đã tuân thủ đầy đủ luật lệ rồi thì sống thế nào là quyền dân, chính quyền không thể can thiệp.
Hãy đi trên một đoạn phố cùng với khách du lịch châu Âu. Họ sẽ rất tò mò và hứng thú trước việc trên mặt phố có rất nhiều hàng hóa, gần như mua gì có nấy, khác hẳn với các TP ở nơi quê họ, chỉ có gạch đá, những cánh cửa đóng kín và người đi bộ. Đó là đặc trưng của văn hóa du lịch Hà Nội. Lịch sử lâu dài của TP này đã tạo một kiểu kinh tế xã hội dựa vào vỉa hè, bao gồm: Nhà kinh doanh mặt phố và những người sống bằng vỉa hè. Vỉa hè những con phố dài ngút mắt chỉ kinh doanh duy nhất có một mặt hàng như vải vóc, vật liệu xây dựng, điện tử, thuốc Bắc, đồ sành sứ, hoa giả, đồ gỗ… và lấy tên hàng hóa đó làm tên phố, chứng minh điều đó. Người ta muốn có văn hóa đó chẳng được, mình có rồi lại mang vứt nó đi. Văn hóa của vùng nhiệt đới khác với văn hóa của vùng băng tuyết, văn hóa châu Á khác với văn hóa châu Âu. Và sự hấp dẫn của Hà Nội và nhiều Thủ đô khác cũng từ đó. Cũng phải chăng vì thế mà các trung tâm thương mại trên nền chợ truyền thống sở dĩ thất bại, cũng từ ý nghĩ cho rằng người Hà Nội thích chợ truyền thống chủ yếu vì muốn nhanh.
Vỉa hè tưởng nhỏ, nhưng việc giải quyết nó không bao giờ thành công, nếu chỉ tính lợi cho một phía. Bởi bất cứ chính sách đô thị nào cũng mang tính chất “nhị nguyên”, tức là dân có lợi mà chính quyền cũng có lợi. Làm sao để vỉa hè dành riêng cho người đi bộ, còn máy biến áp, máy nước, rãnh nước, quảng cáo và trăm thứ linh tinh khác để vào đâu? Và Nhà nước chi phí thêm bao nhiêu phần trăm ngân sách để làm việc đó? TP ta đất chật người đông lại nở ra quá nhanh, cuộc lập lại trật tự vỉa hè lần này là một lối thoát cho nhiều vấn đề của Hà Nội bao năm rồi lúng túng, không có lối ra. Mong sao cuộc lập lại trật tự trên vỉa hè này đúng là một cuộc lập lại trật tự, không “đầu voi đuôi chuột”, không làm đảo lộn cuộc sống của ai, Nhà nước cũng được mà dân cũng đồng lòng.