Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyện vaccine ngừa Covid-19: EU ''ngậm bồ hòn làm ngọt'' với Nga?

Bắc Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyện cung ứng và sử dụng vaccine phòng ngừa dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra đang khiến cho EU bối rối và khó xử.

Đồng thời, EU còn chẳng khác nào phải ''ngậm bồ hòn làm ngọt'', khi Nga thuận lợi tiếp tục cuộc chinh phục châu lục bằng vaccine Sputnik V. Phía Nga cho biết tới đây sẽ sản xuất loại vaccine này ở các nước thành viên EU như Italy, Tây Ban Nha, Pháp và cả Đức nữa.
 Ảnh minh họa
EU gặp khó khăn lớn về cung ứng vaccine phòng ngừa dịch bệnh ở hiện tại. Nguồn cung ứng loại vaccine của hãng Pfizer/Biontech (Pfizer của Mỹ và Biontech của Đức) không đủ. Loại vaccine AstraZeneca (do công ty của Anh và Thuỵ Điển hợp tác sản xuất) đang bị buộc ngừng sử dụng ở một số nước. Trung Quốc có vaccine sớm nhất nhưng EU chưa khi nào tính đến việc sử dụng vaccine của Trung Quốc. Loại vaccine Sputnik V của Nga được công nhận có hiệu ứng cao có thể so sánh với vaccine Pfizer/Biontech và AstraZeneca, nhưng EU chưa phê duyệt và nhiều khả năng sẽ không phê duyệt với lý do không hoàn toàn tin cậy loại vaccine này.
Quan điểm của EU về vaccine Sputnik V của Nga như thế, mà Nga lại tổ chức thành công việc sản xuất nó ở ngay trên lãnh thổ của không phải chỉ có một, mà tới tận một vài thành viên của EU thì đâu có khác gì chơi cú đòn đau vào thẳng thể diện và chiến lược sử dụng vaccine của EU.
Có thể thấy chiến lược vaccine của EU nói riêng và chiến lược ứng phó dịch bệnh của EU nói chung, hoàn toàn có bất cập về nội dung và không được tất cả các thành viên nghiêm chỉnh cùng thực hiện đầy đủ, cũng như EU hiện chưa giải quyết được thoả đáng vấn đề nhu cầu của các thành viên về vaccine.
Mối quan hệ giữa EU và Nga vốn không được tốt đẹp từ không ít năm nay. EU trừng phạt Nga cũng từ không ít năm nay. Vậy mà bây giờ có thành viên EU phải dựa cậy vào vaccine của Nga và thậm chí còn hợp tác với Nga để sản xuất vaccine trên lãnh thổ của họ. Nga càng thắng thế với vaccine Sputnik V thì áp lực buộc EU phải sớm phê chuẩn nó sẽ càng tăng. Như thế thì đã bẽ bàng lại càng thêm bẽ bàng.