Chuyện về khu rừng mang tên "bác Năm Công"

Công Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong câu chuyện kể của cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, rừng “bác Năm Công” được truyền dạy, xem là báu vật chung bất khả xâm phạm, ai ai cũng phải ra sức bảo vệ.

Báu vật của làng

Đứng ở trung tâm Tăk Pỏ (huyện Nam Trà My), từ bên này sông, không khó để chúng tôi nhận ra cánh rừng già bên kia núi, nơi từng là khu căn cứ địa cách mạng. Ở đó có những câu chuyện cảm động về cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của cộng đồng người Ca Dong, Xê Đăng.

Cánh rừng đó chính là khu căn cứ địa Nước Là hay còn được người dân gọi với cái tên gần gũi, thân mật là khu rừng của “bác Năm Công”. Sở dĩ khu rừng được gọi là rừng “bác Năm Công” vì để tưởng nhớ nhà lãnh đạo cách mạng cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công và nhắc nhớ cháu con về sự tồn tại, ý nghĩa của khu rừng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của các chí sĩ cách mạng yêu nước và người dân địa phương.

Cánh rừng căn cứ Liên khu ủy và Ban Quân sự khu V hay còn gọi là rừng "bác Năm Công” được công nhận là Khu di tích lịch sử quốc gia.
Cánh rừng căn cứ Liên khu ủy và Ban Quân sự khu V hay còn gọi là rừng "bác Năm Công” được công nhận là Khu di tích lịch sử quốc gia.

Nằm sâu trong khu rừng nguyên sinh của cộng đồng thôn 1 (xã Trà Mai), nhưng rừng “bác Năm Công” luôn được người dân bản địa chăm sóc, bảo vệ hết sức kỹ lưỡng. Nơi đây được xem như “hình mẫu” về công tác quản lý, bảo vệ rừng của địa phương.

Ông Hồ Văn Ny - nguyên Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cũng là một người lính, từng chiến đấu dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Chí Công nên mỗi lần đặt chân đến khu rừng này ông Ny vẫn vẹn nguyên cảm xúc, ánh mắt bừng sáng, đầy vẻ tự hào.

Dẫn chúng tôi đến khu rừng, ông Ny bảo, khu rừng này trước kia là căn cứ Liên khu ủy và Ban Quân sự khu V, nơi đồng chí Võ Chí Công từng sống, chiến đấu và chỉ huy kháng chiến chống đế quốc Mỹ (giai đoạn 1960 - 1968). Trải qua biết bao trận mưa bom, bão đạn nhưng lạ kỳ thay, khu rừng vẫn tồn tại, đủ sức che chở cho biết bao lớp người làm cách mạng, tạo nên lá chắn vững chắc nơi rừng nguồn Trà My suốt hàng chục năm sinh tồn.

Ông Hồ Văn Ny - nguyên Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (áo xanh đậm) vẫn vẹn nguyên cảm xúc mỗi lần trở lại khu rừng “bác Năm Công”.
Ông Hồ Văn Ny - nguyên Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (áo xanh đậm) vẫn vẹn nguyên cảm xúc mỗi lần trở lại khu rừng “bác Năm Công”.

“Khu rừng “bác Năm Công” không chỉ đơn thuần là rừng tự nhiên, nơi đây cũng là chứng nhân của tình đoàn kết Kinh - Thượng, gắn chặt và bền bỉ suốt hàng trăm năm theo chiều dài lịch sử. Ngày nay, khu rừng như là “tuyến đê” giúp địa phương phòng chống sạt lở đất, tạo niềm tin cho cộng đồng mỗi khi mưa lũ về. Chính vì vậy, từ lâu khu rừng già nguyên sinh này đã là báu vật chung của làng, được người dân bảo vệ nghiêm ngặt, không để bất kỳ ai phá hoại” - ông Ny chia sẻ.

Địa chỉ đỏ giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ

Với diện tích hơn 30ha, cánh rừng nguyên sinh này như là “lá phổi xanh” của miền rừng Tăk Pỏ. Nhiều năm qua, cánh rừng già này vẫn sừng sững một màu xanh, chứng kiến bao cuộc thiên di của tộc người Ca Dong, Xê Đăng tìm miền đất hứa.

Khu đền thờ đồng chí Võ Chí Công ở trong rừng “bác Năm Công”.
Khu đền thờ đồng chí Võ Chí Công ở trong rừng “bác Năm Công”.

Lần bước vào sâu trong rừng, đập vào mắt chúng tôi là hàng loạt cây cổ thụ quý hiếm với đủ loại, từ chò nâu, giẻ gai Ấn Độ, săng máu rạch, chò ổi… đường kính 40 - 50cm, phải 3, 4 người ôm mới xuể. Cây cao vút, bóng xòe rộng tạo không gian sinh cảnh độc đáo giữa cánh rừng già. Xung quanh là dây leo chằng chịt quấn vào nhau, bên dưới là thảm cỏ, cây xanh bóng mát... tất cả như quyện vào không gian hùng vĩ, hiểm trở của núi rừng.

Chị Hồ Thị Hạ (trú thôn 2, xã Trà Mai) cho hay: “Mọi người trong làng luôn đồng lòng bảo vệ rừng “bác Năm Công”, không cho bất kỳ ai chặt phá hoại cây trong rừng. Mỗi lần vào rừng, chúng tôi đều không cầm dao, rựa mà chỉ mang theo giỏ để hái rau thôi”.

Sở dĩ, người dân địa phương không ai có ý định xâm hại khu rừng là bởi trong thâm tâm họ đó là “báu vật” là nơi từng che chở, là lá chắn vững chắc bảo vệ cách mạng. Và hơn cả, đây cũng là di tích gắn liền với lịch sử đấu tranh của cộng đồng người Ca Dong, Xê Đăng.

Khu rừng “bác Năm Công” nằm ngay bên cạnh trung tâm Tăk Pỏ, huyện Nam Trà My.
Khu rừng “bác Năm Công” nằm ngay bên cạnh trung tâm Tăk Pỏ, huyện Nam Trà My.

Ông Nguyễn Văn Cẩn - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Trà My cho hay, rừng “bác Năm Công” có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống của người dân địa phương. Khu rừng là một nhân chứng lịch sử, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là đồng chí Võ Chí Công đối với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.

“Công tác chăm sóc, bảo vệ rừng luôn được địa phương chú trọng. Bởi, bảo vệ cánh rừng chính là bảo vệ giá trị lịch sử cách mạng. Ngoài ra, địa phương muốn hướng đến nơi này sẽ trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ, cũng như không gian tham quan trải nghiệm du lịch sinh thái mới đầy hấp dẫn cho du khách khi đến với Nam Trà My” - ông Cẩn nói.

 

Sáng 6/8, tại tỉnh Quảng Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương ương và Tỉnh ủy Quảng Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đồng chí Võ Chí Công - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Nam”.

Hội thảo là hoạt động thiết thực kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Võ Chí Công (7/8/1912 - 7/8/2022), để ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam. Đây cũng là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với đồng chí Võ Chí Công - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần