"Tôi nghẹn giọng bởi từ trước đến nay, trong hàng chục đứa trẻ của trung tâm được người nước ngoài nhận nuôi, đây là em bé đầu tiên về Việt Nam với khao khát tìm lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình", bà Hiền chia sẻ.
Nhung trong bộ áo dài khăn đóng Việt Nam cùng bố mẹ nuôi và em trai về Việt Nam tìm mẹ sau 10 năm sống ở Mỹ. Ảnh: Nguyễn Đông
Bà Hiền kể, Jolie Nhung Thi Hoang LaBarge có tên khai sinh là Hoàng Thị Nhung. Đêm 31/7/2002, một cán bộ của Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em mồ côi TP Đà Nẵng (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) phát hiện bé gái chừng 3 ngày tuổi còn đỏ hỏn bị bỏ rơi trước cổng. Sau khi làm thủ tục pháp lý cần thiết, Trung tâm đã đặt tên cho bé và lấy chính ngày em bị bỏ rơi làm ngày khai sinh.
Bốn tháng sau, trong một lần ghé Đà Nẵng, ông Sherman LaBarge và vợ Carrie Welch (quốc tịch Mỹ) nhận Nhung làm con nuôi. Bà Carrie Welch hiếm muộn, khi có ý định nhận con nuôi, hai ông bà bàn nhau chỉ nhận người Việt Nam. "Tôi từng có một số người bạn ở Mỹ là người Việt Nam và tôi thích người Việt Nam hiền hậu, có nét văn hóa đặc trưng trong ngày Tết cổ truyền và có những món ăn ngon", bà Carrie Welch giải thích.
Bà Carrie Welch kể, ngày mới đưa Nhung về Mỹ, vợ chồng bà thay nhau nấu món ăn kiểu Việt Nam cho con. Họ cũng sưu tầm trên mạng Internet hay từ những người Việt quen biết để mở cho Nhung nghe bài dân ca Việt Nam. Qua 3 tuổi, Nhung dần cứng cáp, hòa đồng với chúng bạn cũng là những em bé gốc Việt.
Cô bé được bố mẹ nuôi mua cho những bộ áo dài khăn đóng và khuyến khích em biểu diễn hát dân ca. Những dịp Tết cổ truyền Việt Nam, căn nhà nhỏ của vợ chồng bà Carrie Welch đón rất nhiều khách Việt Nam. Vừa nghe Nhung hát Trống cơm, Lý cây bông, mọi người vừa thưởng thức bánh chưng, dưa món. Cùng từ đó, Nhung bắt đầu tò mò về nguồn gốc của mình, em luôn hỏi: "Mẹ sinh con ra từ bụng này ạ?". Cô bé bật khóc khi nhận được cái lắc đầu.
Nhung có thêm em trai là Minh Labarge, cậu bé quê Bến Tre, được vợ chồng ông Sherman LaBarge nhận làm con nuôi vào năm 2007. Có em cùng vui đùa, Nhung rất thích. Nhưng những lúc ngồi trong lòng mẹ, cô bé lại nũng nịu: "Bố mẹ đưa con về Việt Nam tìm mẹ đẻ nhé!". Cuối tháng 3, Nhung đã khóc òa khi bố mẹ nuôi nói: "Chúng ta về Việt Nam nào!".
Bà Carrie Welch khoe Nhung học rất giỏi và đang học vượt cấp. Tuy hát dân ca rất tốt nhưng tiếng Việt thì cô bé chỉ bập bẹ được vài câu. Thương con nên dù chỉ có thông tin ít ỏi về ngày Nhung bị bỏ rơi, vợ chồng ông Sherman LaBarge vẫn không chút ngần ngại bỏ ra gần 2 tuần ở Việt Nam tìm kiếm.
Sau khi ghé Bến Tre tìm bố mẹ cho Minh nhưng vô vọng, cả gia đình ghé Đà Nẵng, đến Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em mồ côi và Sở Tư pháp TP, rồi lại cùng ra cố đô Huế, vào Hội An… Mỗi chuyến đi, bên cạnh việc dò hỏi tin tức người mẹ giấu mặt 10 năm về trước, vợ chồng ông Sherman LaBarge lại đưa con tới các điểm di tích với mong muốn để con tìm hiểu về văn hóa nơi mình sinh ra.
Bé Nhung khi bị bỏ rơi tại Đà Nẵng và được cán bộ Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi chăm sóc. Ảnh tư liệu.
Bà Carrie Welch cho biết, nếu tìm được mẹ ruột của bé Nhung, hai gia đình sẽ qua lại để cùng được thấy bé trưởng thành. Nghe mẹ nuôi nói, Nhung khẽ cầm tay mẹ, dõng dạc nói: "Con muốn Việt Nam và Mỹ đều là quê hương!".
Trước lúc chào tạm biệt tại phi trường Đà Nẵng để vào TP HCM, bà Carrie Welch nói 5 năm nữa sẽ trở lại Việt Nam, tiếp tục hành trình tìm bố mẹ ruột cho hai con nuôi của mình. "Ở bên Mỹ việc tìm kiếm thông tin về bố mẹ ruột của hai con là rất khó khăn. Vợ chồng tôi mong qua báo chí Việt Nam, đặc biệt là những tấm hình có thể sớm giúp điều ước của hai con thành hiện thực!", người mẹ người Mỹ nói.
Vợ chồng ông Sherman LaBarge và bà Carrie Welch mong muốn sẽ nhận được thông tin từ gia đình Nhung ở Việt Nam qua bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng và Sở Tư pháp TP Đà Nẵng. |