Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có cần thiết hay không ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu đề cập tại Hội nghị tổng kết thi hành Luật Du lịch (DL) 2005, đề xuất nội dung xây dựng Luật DL sửa đổi do Tổng cục DL tổ chức tại Hà Nội sáng 10/11.

Du khách quốc tế tham quan Lào Cai. 	Ảnh: Hoài Nam
Du khách quốc tế tham quan Lào Cai. Ảnh: Hoài Nam
Theo quy định hiện hành, mức ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế là 250 triệu đồng với DN kinh doanh lữ hành dẫn khách vào Việt Nam và 500 triệu đồng đối với DN kinh doanh lữ hành đưa khách ra nước ngoài hoặc DN vừa đưa khách vào Việt Nam và ra nước ngoài. Đứng trên quan điểm cơ quan quản lý, đại diện Sở VHTT&DL Nghệ An cho rằng, Luật DL sửa đổi nhất thiết phải có ký quỹ để quản lý hoạt động lữ hành của DN, vì như vậy cơ quan quản lý mới dễ kiểm soát. Bởi nếu không ký quỹ, khi xảy ra vấn đề với hoạt động của DN, cơ quan quản lý rất khó xử lý. “Thời gian trước, một số DN đưa khách quốc tế vào TP Hồ Chí Minh, nhưng họ thiếu tiền trả khách sạn, nên khách sạn buộc phải giữ giấy tờ của khách. Điều này không hợp lý vì sai phạm xuất phát từ DN, song khách hàng lại phải chịu trách nhiệm. Nhưng khi DN ký quỹ hoạt động, cơ quan quản lý sẽ căn cứ vào đó để có biện pháp xử lý” - đại diện Sở VHTT&DL Nghệ An dẫn chứng. Còn lãnh đạo Sở VHTT&DL Nam Định cho rằng, nếu không ký quỹ sẽ có tình trạng DN lữ hành mọc lên như nấm. Cụ thể, một nhân viên kinh doanh của DN lữ hành có kinh nghiệm làm việc 2 - 3 năm cũng có thể đứng ra lập DN. Từ một công ty lữ hành có thể đẻ ra khoảng 50 - 70 công ty khác. Khi đó sẽ dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN làm ăn chân chính, hợp pháp với DN làm ăn chưa đúng quy định. Thậm chí, DN lập ra rồi... giải thể lúc nào không ai biết!

Tuy nhiên, đại diện một số DN lại có quan điểm ngược lại, cho rằng không cần thiết phải ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế. Bởi như phân tích của Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Lưu Đức Kế: Sau 10 năm thực hiện ký quỹ, số DN DL Việt Nam tăng chóng mặt, từ dưới 500 DN tăng lên hơn 1.500 DN, vượt cả nhiều nước có nền DL phát triển mạnh. Ví như Trung Quốc, mỗi năm phục vụ 200 triệu khách DL đến và đi DL nước ngoài, nhưng số công ty lữ hành của họ cũng chỉ đến con số chục. Cho nên, việc ký quỹ chưa chắc đã đạt được mục tiêu ban đầu đề ra. Mặt khác, hiện số lượng DN lữ hành quốc tế của chúng ta là 1.557 với mức quỹ phải đóng từ 250 triệu đồng đến 500 triệu đồng. Tức là tổng quỹ phải có gần 1.000 tỷ đồng, một số tiền rất lớn. Vậy nhưng, chúng ta chưa tổng kết xem quỹ này có tác dụng thế nào, có sử dụng đến số tiền đó không và mang lại lợi ích như thế nào cho DL. Do đó, ông Kế đề nghị Luật DL sửa đổi không yêu cầu DN DL thực hiện ký quỹ mà có thể tham khảo cách làm đang được các nước khác áp dụng. Đó là DN lữ hành quốc tế bắt buộc phải mua bảo hiểm công ty DL đón khách. Khi công ty DL gặp sự cố và không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ, thì bảo hiểm sẽ lãnh trách nhiệm đó. Còn nếu vẫn quy định DN DL phải ký quỹ thì ngành DL nên đưa tổng số tiền ký quỹ gửi sinh lời ở một ngân hàng thương mại có lãi suất hợp lý. Số tiền dư ra có thể đưa vào Quỹ xúc tiến phát triển DL, vì hiện quỹ này quá ít không đủ làm xúc tiến cho "ra tấm, ra món".

Như vậy, vấn đề ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế vẫn chưa đi đến thống nhất. Song dù có ký quỹ hay không, thì vấn đề quan trọng vẫn là hiệu quả của quy định này trong thực tế và số tiền ký quỹ có được “lấy mỡ nó rán nó” phục vụ sự phát triển ngành DL hay không. Đó là vấn đề mà các nhà quản lý DL cũng như những người làm DL cần tính tới.