Đó là cơ hội được cạnh tranh bình đẳng, cơ hội trở thành các chủ sở hữu hoặc đồng sở hữu tại các DN mà Nhà nước đang góp vốn.
Tuy nhiên làm sao để CPH đi vào thực chất, làm sao để thúc đẩy đầu tư tư nhân? Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế năm 2017: “Cơ hội đầu tư trong tái cơ cấu DN Nhà nước giai đoạn 2016 – 2020” tổ chức ngày 2/12 tại Hà Nôi, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, quá trình cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2011 - 2015 là chậm và chưa thực sự hiệu quả. Các đề án tái cơ cấu của các tập đoàn và các công ty vẫn mang tính đối phó, chưa có cải cách cơ bản. Do đó, ông Lộc mong muốn trong thời gian tới cần thay đổi tình trạng này và đẩy mạnh CPH trong DNNN một cách thực chất.
Một trong những vấn đề trọng tâm được nhiều diễn giả đề cập là làm sao gỡ khó cho khối DN tư nhân - khối kinh tế mà theo ông Lộc là "động lực chính của quá trình tái cơ cấu kinh tế". Ông Đậu Anh Tuấn -Trưởng ban Pháp chế VCCI dẫn số liệu từ Bộ Tài chính: Hiện nay, khoảng 58% DN tư nhân không có thu nhập chính thức để nộp thuế (không có lãi), trong 10 đồng xuất khẩu thì khoảng 7 đồng là thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Về vấn đề này, bà Vũ Thị Thuận – Chủ tịch HĐQT Công ty Traphaco cho biết: “Traphaco là DN hoàn thành CPH sớm và thành công, chúng tôi thấy phấn khởi khi Chính phủ đưa ra chính sách CPH. Tuy nhiên, quá trình phát triển những năm qua, chúng tôi thấy vẫn còn nhiều vướng mắc, phiền hà khi cải cách thủ tục hành chính chỉ nghĩ đến số lượng mà chưa nghĩ đến chất lượng. DN muốn đẩy nhanh năng suất lao động nhưng những thủ tục như đi xin phép đăng ký hay phê duyệt rất chậm, đây là yếu tố vô hình làm cho năng suất lao động của DN bị chậm. Các chính sách Nhà nước cần hiểu DN và tháo gỡ các khó khăn cho DN trong quá trình hội nhập sâu rộng như hiện nay”.
Bàn về tác động của hội nhập tới các DN Việt, ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên băn khoăn, khối FDI đang chiếm hết thị phần, vậy thì quan điểm tới đây về cơ cấu các nhà làm chính sách sẽ phát triển theo hướng hợp tác phát triển hay cố gắng giành lại thị phần? Ông Dương cho rằng, hòa hiếu vẫn là đứng đầu, hợp tác cùng phát triển vẫn là trên hết. Bởi, DN Việt Nam hiện còn yếu và đang có xu hướng thu lại, do đó, sức cạnh tranh còn thấp so với những người có tiềm lực lớn hơn. Nếu cứ cố cạnh tranh thì sau khi cạnh tranh được cũng hết lực để phát triển. “Có thể nói chúng tôi đang phát triển tốt. Chúng tôi đi theo hướng phát triển hợp tác với DN nước ngoài để vừa có thể tăng cường đầu tư, giữ chỗ đứng cho DN nước ngoài đó và cũng được hưởng lãi suất ưu đãi hơn khi đi vay vốn ngân hàng. Xu hướng hợp tác là tốt nhất và nhờ đó chúng tôi phát triển theo quan điểm “hãy đứng trên vai người khổng lồ” bởi nếu chúng ta đứng vững được trên vai họ, làm tốt được thì chắc chắn chúng ta sẽ phát triển” – ông Dương chia sẻ.