Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có dấu hiệu làm "trái" nguồn gốc đất tại dự án Viện Hải Dương học

Vĩnh quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc đền bù cho 69 hộ dân tại phường Bàng La, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng để thực hiện dự án xây dựng Bảo tàng Hải dương học và nghiên cứu có dấu hiệu làm “trái” nguồn gốc đất.

UBND TP Hải Phòng có Quyết định số 1891/UBND ngày 5/11/2012 về việc giao 119.822,7m2 đất do UBND quận Đồ Sơn quyết định thu hồi của các hộ, cá nhân tại phường Bàng La để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Hải dương học và cơ sở nghiên cứu của Viện Tài nguyên & Môi trường biển.
Đến ngày 30/11/2012 UBND quận Đồ Sơn có Quyết định số 1397/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ về đất đai, vật kiến trúc cây cối hoa màu khi thu hồi đất giao cho đơn vị nói trên để thực hiện dự án.
Theo đó, số tiền bồi thường cho 69 hộ dân là 37.491.617.550 đồng trong đó bồi thường hỗ trợ về đất là hơn 7,5 tỷ đồng; hỗ trợ vật kiến trúc là hơn 11,4 tỷ đồng, cây cối hoa màu là hơn 1,1 tỷ đồng; các khoản hỗ trợ khác là hơn 16,6 tỷ đồng. Số tiền bồi thường này được lấy từ tiền ngân sách Nhà nước để trả cho các hộ dân.
Trụ sở UBND phường Bàng La, quận Đồ Sơn

Một mảnh đất được xác định 2 loại nguồn gốc?

UBND phường Bàng La do ông Bùi Duy Dũng khi đó làm Chủ tịch có báo cáo số 19/BC-UBND ngày 2/6/2011 về nguồn gốc khu đất thu hồi để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Hải dương học…

Theo biên bản thẩm tra, xác minh hiện trạng, nguồn gốc đất đai khu đất đã xác định hiện trạng đất nuôi trồng thủy sản nước lợ là 119.338,1m2; đất giao thông là 484,4m2. Bản đồ địa chính tỉ lệ 1/1000 đo vẽ năm 2009 xác nhận diện tích đất theo thực tế là đất nuôi trồng thủy sản. Khu đất thu hồi để thực hiện dự án thuộc tờ bản đồ số 16, 17, 27 trong 32 bản đồ đất nông nghiệp tỷ lệ 1/1000.

Lập năm 1996 được cơ quan có thẩm quyền ký thì nguồn gốc đất thu hồi là đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối. Xem xét giấy tờ đất đai của các hộ thì 2 hộ có quyết định của UBND xã Bàng La giao đất nuôi trồng thủy sản (năm 1992).

Ông Lương Hữu Khắc có diện tích đất là 2.700m2 không ghi thời hạn thuê và ông Phạm Văn Thủy có diện tích đất là 1.440m2 nhận chuyển nhượng lại năm 2002 của ông Lương Văn Hùng, thời hạn thuê 40 năm. Có 2 hộ có đơn xin giao đất làm nhà ở và nuôi trồng thủy sản, một số hộ làm nhà ở, nhà coi vườn hàng năm vẫn nộp thuế nhà đất, lệ phí nuôi trồng thủy sản đầy đủ.

Về hạng đất theo trích lục là đất hạng 3, UBND phường Bàng La báo cáo và đề nghị UBND quận, phòng Tài nguyên & Môi trường quận Đồ Sơn: Nguồn gốc đất các hộ là đất nuôi trồng thủy sản trước năm 1993 (thực tế các hộ đang nuôi trồng thủy sản, trước kia là đất muối song các hộ đã đầu tư công sức tiền của để cải tạo đất thành đất nuôi trồng thủy sản như hiện nay.

Thế nhưng, đến khi tiến hành đền bù bồi thường, 69 hộ dân này được chi trả bồi thường là “đất khai hoang”. Tại trích lục nguồn gốc đất của UBND quận Đồ Sơn, 69 hộ dân này bỗng dưng được “hô biến” là đất khai hoang nuôi trồng thủy sản từ năm 1984, 1989, 1990… cũng do ông Bùi Duy Dũng khi đó làm Chủ tịch ký.

Như vậy, cùng một hộ dân nhưng khi xác định nguồn gốc đất do UBND phường Bàng La là đơn vị quản lý về đất đai đã “tiền hậu bất nhất” để mảnh đất trước thì xác định là đất nuôi trồng thủy sản, sau là đất khai hoang? Theo quy định thì thẩm quyền xã phường phải chịu trách nhiệm xác định nguồn gốc đất. Chỉ được ký hợp đồng cho thuê đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích. Trong khi đó, các hộ dân nói trên đa phần đều là những hộ được thuê đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích lại được đền bù bồi thường là đất khai hoang?

Lãnh đạo phường nói gì?

Ông Bùi Duy Dũng hiện là Bí thư UBND phường Bàng La cho rằng: “Trích lục diễn biến sử dụng đất của các hộ, hiện trạng như thế nào UBND phường chỉ biết làm phương án và làm khai báo căn cứ theo bản đồ. Việc phân loại đền bù tính toán là do cấp trên, UBND phường không thể tự ý tính toán tiền cho các hộ…".

Khi được hỏi về việc tại sao các hộ dân lại có hợp đồng thuê đất nuôi trồng thủy sản do nguyên Chủ tịch UBND phường Bàng La Nguyễn Đức Chức ký và có thu tiền hàng năm của các hộ. Ông Dũng cho rằng không biết có hợp đồng này, nếu có chỉ là để các hộ dân dùng vào việc vay ngân hàng? Rõ ràng ở đây thẩm quyền cấp xã, phường là nơi quản lý về đất đai phải là cấp thẩm quyền sâu sát tới từng người dân, ông Dũng còn là người ký vào biên bản thẩm định nguồn gốc đất nói trên không thể trả lời theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”.

Khi phóng viên hỏi căn cứ vào đâu để phường Bàng La xác định đất của 69 hộ dân là đất khai hoang thì ông Dũng chưa cung cấp được tài liệu chứng minh? Trong khi nếu là đất nuôi trồng thủy sản giá trị đền bù về đất chỉ bằng 20% giá trị đất khai hoang? Thực tế như vậy thì Nhà nước thất thoát một khoản tiền không nhỏ. Số tiền thất thoát trên liệu có thể thu hồi?

Trao đổi về nội dung trên ông Nguyễn Đức Chức (nguyên Chủ tịch UBND xã Bàng La) xác nhận thời ông làm Chủ tịch có việc ký cho rất nhiều hộ dân thuê đất nuôi trồng thủy sản, chính quyền có thu tiền hàng năm của các hộ này. Nên có thể hiểu đây là đất nuôi trồng thủy sản.

Chính quyền cấp quận, các phòng ban cần xem xét lại nguồn gốc đất của dự án này, tuy số tiền đã được chi trả cho người dân cách đây vài năm nhưng đến nay dự án của Viện Hải dương học mới đang bước vào giai đoạn hoàn thành xong giải phóng mặt bằng. Tránh việc xác định sai nguồn gốc đất làm thất thoát tiền ngân sách của Nhà nước.