Có dẹp được nạn karaoke tự phát?

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn nạn karaoke tự phát xuất hiện ở những hộ gia đình trong khu phố, làng xã, hoặc ở các quán ăn ngoài trời, có tổ chức ca nhạc… là chuyện xưa nhưng chưa bao giờ cũ. Và mới đây, karaoke tự phát lại một lần nữa được xới lên từ những vụ việc gây nhiều bức xúc ở TP Hồ Chí Minh.

 Ảnh minh họa
Vào mỗi dịp Tết nhiều gia đình mở loa hát karaoke để vui đón Xuân. Tối về buồn, vài 3 cô bác hẹn nhau đến nhà mở dàn nhạc cùng hát karaoke vang cả khu chung cư. Quán xá muốn kéo khách khứa ăn nhậu ngồi lâu, bán nhiều hàng cũng lại trang bị thêm bộ loa để khách hát cho nhau nghe… Vô hình chung tạo nên cảm giác stress cho những người xung quanh. Nhiều gia đình bức xúc gõ cửa nhà hàng xóm gây ồn, tạo nên khung cảnh xô xát, to tiếng. Tình làng nghĩa xóm cũng đứt đoạn. Chẳng thiếu những vụ án mạng đã từng xảy ra chỉ vì bị ép nghe karaoke tự phát nên dồn nén ức chế. Vấn nạn karaoke là chuyện nói rồi, nói mãi mà vẫn chưa có cách xử lý. Hỏi ngành văn hóa được biết lĩnh vực này không thuộc quản lý của ngành, muốn xử phạt chỉ có thể áp dụng theo quy định của ngành tài nguyên môi trường. Hỏi đến ngành tài nguyên môi trường thì lại được chỉ tìm đến chính quyền địa phương. Tìm về chính quyền địa phương thì lại thiếu chiếc máy đo độ ồn để xác định vi phạm… Hỏi mãi vẫn không tìm được cơ quan xử lý nên người dân lại chẳng biết hỏi ai để giải quyết.
Trên báo, các luật sư thường xuyên viện dẫn các thông tư, nghị định, luật pháp đã quy định khá rõ ràng về giới hạn tiếng ồn và mức phạt nếu vi phạm tại khu dân cư. Nhưng rồi cũng chẳng có con số thống kê vụ việc được xử lý vì chắc cũng chưa từng xử phạt. Người ta đổ tại thiếu máy đo hay phần mềm xác định độ ô nhiễm tiếng ồn. Nhưng thiết nghĩ, chẳng nhẽ thời đại 4.0 việc đề xuất mua sắm một chiếc máy xác định mức ảnh hưởng chất lượng đời sống người dân lại khó đến thế. Nguyên nhấn chính là chính quyền đã đủ quyết liệt hay chưa. Thực tế, rất nhiều cơ quan chức năng còn xem đây không phải là công việc của mình. Quy định pháp luật rất cụ thể nhưng việc áp dụng pháp luật, phân định trách nhiệm các đơn vị, sở ngành còn có phần nhiều né tránh.

Nhiều ý kiến cho rằng muốn dẹp loạn vấn nạn này cần phải lập tổ liên ngành để xử lý dứt điểm những vi phạm. Ngành tài nguyên môi trường cần ngồi lại với các sở, ngành để đưa ra giải pháp. Có thể thành lập tổ liên ngành của phường, xã, thị trấn gồm công an, địa chính, lao động, thương binh xã hội, văn hóa thông tin, kinh tế… thì mới đi xử phạt, xử lý trọn vẹn được. UBND các phường tuyên truyền trong dân, phổ biến, vận động, giải thích. Người đứng đầu chính quyền địa phương phải thấy việc dẹp loạn karaoke tự phát là trách nhiệm trong việc gìn giữ để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Nếu có mức phạt, cách làm rõ ràng thì người dân và các đơn vị sẽ tự chấn chỉnh, và vấn nạn karaoke tự phát sẽ không còn là nỗi bức xúc dai dẳng của cả xã hội.