Xét nghiệm máu, bác sĩ yêu cầu Thuần nhập viện ngay nhưng không nói rõ cô bị bệnh gì. Kể từ đó, cuộc sống của nữ sinh quê Nghệ An gắn liền với giường bệnh, thuốc men và những đợt truyền hóa chất. Từ cô gái cá tính, vui vẻ, thích du lịch, mê guitar, Thuần nằm bẹp một chỗ, sống với những kỷ niệm thời đi học và "phát điên" khi cơn đau hành hạ.
Thuần tâm sự trong tự truyện: "Tôi không ngờ rằng chuyến đi thăm đó đã cứu sống tôi nhưng lại bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn khác xa với những gì tôi và gia đình hy vọng".
Thuần "cất" những cơn đau vào từng trang nhật ký. Ảnh nhân vật cung cấp.
Ngày ấy, thấy thầy cô và bạn bè vào thăm rồi ý tứ kéo nhau ra hành lang khóc, Thuần thắc mắc chỉ là vào một "bệnh viện như bệnh viện Ba Lan ở Vinh" thì có gì nghiêm trọng đến vậy. Cô nghĩ rằng mình đang ốm và cần được điều trị khỏi bệnh để tiếp tục đi học. Một lần tình cờ đọc được tờ giấy xin hỗ trợ, Thuần mới biết mình bị bệnh ung thư máu. Do đã trải qua những đau đớn, mệt mỏi nên lúc biết tin, Thuần chỉ còn biết chấp nhận mà không hề sốc.
Kết thúc đợt điều trị đầu tiên kéo dài một tháng, Thuần trở về với trường đại học. Người mệt, nhiều hôm đến lớp, Thuần không đủ sức ngồi mà phải tựa vào bạn bên cạnh. Những lúc nằm viện, những đêm không ngủ, Thuần tự "nói chuyện" với trang giấy và máy tính như để giải tỏa nỗi lo lắng vì không muốn ai biết.
Thuần nhớ, từ cuối năm lớp 11, cô bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, bụng sưng to và cứng, những vết thâm bầm dưới da, những trận sốt vào ban đêm, tim đập nhanh và nhói đau, thỉnh thoảng khạc ra máu khiến cô sụt cân từ 46 kg xuống còn 37 kg. Thuần đi khám nhưng không phát hiện ra bệnh gì còn người thân cho rằng có lẽ do cô học quá nhiều.
Suốt 4 năm đại học, Thuần ghi lại những lần vào viện, tâm trạng và cả câu chuyện về các bệnh nhân vào nhật ký. Mỗi ngày một ít, có hôm cô chỉ viết được vài dòng. Từ năm 2010, bệnh trở nên nặng hơn, Thuần mới viết nhiều vì sợ cái chết, cô đơn và nỗi đau. Thuần chia sẻ, phần lớn nhật ký đều được viết trong những cơn đau...
Cái chết luôn hiện hữu trong suy nghĩ của Thuần kể từ khi cô biết mình bị bệnh. Thuần cho rằng, nếu mình chết đi sẽ chẳng còn phải chịu đau đớn nữa, người thân cũng không còn phải lo lắng nhiều. Mỗi lần chứng kiến bệnh nhân cùng phòng ra đi, thấy rõ sự đau đớn, xót xa của người nhà họ, Thuần lại nghĩ về mình. Cô sợ cái chết và sợ cả sự suy sụp của người thân, đặc biệt là cậu Vinh (bố Thuần).
Trong nhà, cậu vừa là cha, vừa là bạn tâm sự của Thuần. Từ khi Thuần bị bệnh, người cha 60 tuổi trông già đi nhiều với mái tóc bạc và gương mặt thêm gầy gò, nhăn nheo. Nhắc đến cậu, Thuần bảo ông là người tình cảm và không giấu được cảm xúc. Có lần, Thuần bướng bỉnh không nghe lời khiến cậu bực mình bỏ xuống nhà bạn và khóc. Ngoài cậu, mẹ và người anh ruột hơn Thuần 2 tuổi, bạn bè đã truyền cho cô nghị lực để vượt qua nỗi đau.
Cô kể, thời gian chờ lấy bằng tốt nghiệp, cuối tháng 5/2010, cô yếu đuối cả về thể xác lẫn tinh thần. Mỗi ngày Thuần đều phải truyền 10 chai thuốc từ sáng đến tối, phải gạn bạch cầu nên truyền cả kháng sinh lẫn hóa chất.
Khi sức khỏe đã tốt hơn, da dẻ hồng hào không còn xanh xám, Thuần quyết tâm đi làm kiếm tiền để tự nuôi bản thân và bù đắp những gì cậu, mẹ đã vất vả nhiều năm qua. Vào vòng phỏng vấn của một công ty xuất nhập khẩu nhưng Thuần đã chủ động rút lui vì sức khỏe không đáp ứng được công việc hay phải đi lại.
Thuần hy vọng một công việc khác nhưng lại bất lực vì cứ 2 tuần phải lên viện khám một lần và 3 tháng làm xét nghiệm tủy. Về nhà ở Quỳnh Hợp, những cơn đau ập đến khiến Thuần chẳng thể ngủ dù cô đã cố nghe nhạc, dịch tiếng Anh và tập guitar.
Nằm bẹp trên chiếc giường gỗ trong căn buồng bé nhỏ của cậu, mẹ, cô cảm nhận "nắng vàng dịu nhẹ", "gió đang mơn man khẽ khàng trên những chiếc lá". Những lúc ấy, sự đau đớn của Thuần gần như bị quên lãng trong giây lát.
Nhiều lúc quá đau, cô nghĩ mình là một "xác chết biết động đậy" hay một "con thú hoang" bởi "là thú thì chỉ cần ăn, ngủ, tồn tại mà không cần quan tâm đồng loại của nó nghĩ gì về nó. Cứ sống cho đến khi chết thôi".
Với Thuần, cơn đau không chỉ hành hạ cô mà còn cả cậu, mẹ. "Hôm qua tôi muốn mình không khóc để mẹ được ngon giấc. Tôi đã không làm được. Thậm chí tôi đã khóc nhiều lần và khóc to khiến mẹ tôi lụi hụi cả đêm xoa chân xoa người cho tôi... Sáng khi thức dậy, vẫn như những sáng hôm qua và hôm trước, tôi sở hữu một gương mặt cau có... Buổi sáng thường rất đau", Thuần viết.
Hiện, Thuần trọ cùng hai người anh họ ở khu vực Cầu Giấy để chờ được chữa trị. Trong căn phòng chật hẹp, Thuần không đủ sức để ngồi ngay ngắn nói chuyện. Mới đầu cô gái có thân hình còm nhom, cặp kính đen vuông to choán lấy khuôn mặt trắng bợt tựa vào tường rồi sau đó nằm hẳn xuống đệm, giọng nói nhỏ dần và yếu ớt hẳn. Bàn tay Thuần liên tục bóp chân phải đang nhức. Mấy hôm nay, Thuần đau nhức khó chịu, đi lại tập tễnh và không đủ sức để làm bất cứ việc gì. Trên khuôn mặt lộ rõ vẻ ốm yếu ấy của Thuần, chỉ nụ cười là có sinh khí.
Giọng mệt mỏi nhưng Thuần vẫn nói chuyện lễ phép và từ tốn. Lời khuyên ghép tủy của các bác sĩ khiến Thuần suy nhĩ nhiều. "Tôi đăng trên Facebook về những gì bác sĩ Hương nói lúc chiều. Tôi buồn vì biết rằng mình không thể làm được điều đó. Tôi không có tiền...", cô gái mang bệnh ung thư máu viết trong tự truyện.
Sau khi tìm được người hiến tủy chính là anh trai Thuần, gia đình và bạn bè đã chung tay giúp. Biết được hoàn cảnh của Thuần, một nhà văn người Israel đã đồng ý giúp cô đi chữa bệnh. Nữ nhà văn này từng mắc bệnh như Thuần và giờ đã bình phục. Để Thuần được sang Israel, nhà văn đó đang đàm phán với các bệnh viện xin miễn giảm vì chi phí điều trị vượt quá khả năng của bà. Trong lúc đợi tin từ người phụ nữ ấy, Thuần lại lên cơn đau và vừa phải nhập viện.
"Dù chuyện gì xảy ra đi nữa, tôi thực sự không hối tiếc khi được sinh ra và sống những ngày tháng này. Có những đau đớn và hạnh phúc xen lẫn, tôi cảm nhận cuộc đời này ý nghĩa hơn", Thuần bày tỏ trong tự truyện Như hoa hướng dương.