Vào ngày 23/9 tới, Google sẽ công bố danh sách đoạt giải Hội chợ khoa học Google 2014. Đây là cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật trực tuyến hằng năm dành cho nhóm lứa tuổi từ 13 đến 18 trên toàn thế giới.
15 thí sinh lọt vào vòng chung kết đều là những gương mặt xuất sắc với các phát minh hữu ích cho cuộc sống loài người. Trong số đó, đáng chú ý là sáng chế thiết bị lọc nước thải và tạo ra điện năng của cô bé gốc Việt Cynthia Sin Nga Lam.
Hiện tại, Lam mới 17 tuổi và đang sinh sống tại Melbourne (Australia). Ban đầu thiết bị có tên gọi là H2Pro. Đây là một cỗ máy xách tay và chỉ sử dụng nguồn năng lượng là ánh sáng mặt trời.
Cynthia Sin Nga Lam với thiết bị phát minh của mình.
|
Cơ chế hoạt động chủ yếu của máy dựa trên nguyên tắc: Nước bẩn sẽ được đưa vào qua một đầu của thiết bị, sau đó lưới bằng titan sẽ sử dụng ánh sáng mặt trời để khử trùng nước và đẩy chúng qua một bộ lọc.
Phản ứng quang xúc tác sẽ tách phân tử nước thành oxy và hydro. Lượng hydro tạo ra sẽ được dẫn qua các thiết bị pin năng lượng để sinh ra năng lượng sạch. Ngoài ra, các chất bẩn trong nước như chất tẩy rửa, xà phòng và các chất ô nhiễm khác cũng sẽ là một nguồn cung cấp chất xúc tác phong phú để tạo ra hydro cho quá trình này.
Nhà phát minh trẻ tuổi cho biết, không chỉ các nước kém phát triển mới phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch và điện mà cả thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng năng lượng và ô nhiễm nguồn nước.
Với H2Pro, Lam có mục đích nhằm giải quyết hai vấn đề cùng một lúc: Làm thế nào để cung cấp nước sạch và năng lượng cho nhiều người trên thế giới. Bằng việc phát triển cách tiếp cận tiết kiệm và thân thiện với môi trường để đưa ra một quy trình sản xuất năng lượng và lọc nước bền vững.
Trên thế giới cũng đã tồn tại một số công nghệ để khử trùng nước tương tự, song những giải pháp đó hầu như phải cần có một nguồn điện để vận hành. Bởi vậy, chúng không thể nào sử dụng được tại các địa điểm xa xôi.
Trong khi đó, với thiết bị mới này, điều bạn cần chỉ là ánh sáng mặt trời là có thể tạo ra nước sạch, thậm chí cả năng lượng sạch cũng có thể đồng thời được sản xuất.
Bên cạnh đó, chi phí để tạo thành sản phẩm này cũng khá rẻ, quy trình thiết kế đơn giản và có thể bảo dưỡng dễ dàng theo thời gian.
Lam hy vọng thiết kế này sẽ có ích cho người nghèo, những người cần cứu trợ thiên tai và các hộ gia đình.
Chỉ còn hơn một tuần nữa Hội chợ khoa học Google 2014 sẽ kết thúc, nhưng nhiều người hy vọng thiết bị lọc nước thải và tạo ra điện năng của Cynthia Sin Nga Lam sẽ đoạt giải cao nhờ mục đích, ý nghĩa đầy tính nhân văn.