Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội cho ngành da giày Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo lộ trình giảm thuế, cuối năm 2015, thuế suất đối với sản phẩm giày dép của Việt Nam vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ về 0%, tạo cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như triển vọng hợp tác phát triển nguồn nguyên phụ liệu cho ngành da giày Việt Nam.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết trong các thị trường xuất khẩu của giày dép Việt Nam, thị trường ASEAN chiếm một lượng không nhỏ.

Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu giày, dép của ngành sang thị trường này là hơn 1,8 tỷ USD. Chính vì vậy, khi Việt Nam gia nhập AEC thì lợi thế đầu tiên chính là thị trường xuất khẩu.

 
 Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
Trong khối ASEAN, bốn nước Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Malaysia là những nước có ngành công nghiệp da giày phát triển nhất và có sự tương đồng. Dù vậy, so với các quốc gia khác Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh về nguồn lao động tay nghề cao, giá nhân công nên khả năng mở rộng thị trường khối AEC là khá tốt.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn có cơ hội hợp tác với các nước trong khối phát triển nguồn nguyên phụ liệu.

Việc các nước cùng hợp tác sẽ giúp giảm suất đầu tư, có thể sản xuất và cung ứng với sản lượng lớn, giảm dần lượng nguyên phụ liệu nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Đặc biệt, do các nước sản xuất giày dép thuộc AEC hầu hết đều làm hàng xuất khẩu sẽ giúp tạo thành một khối nguồn cung ổn định và giữ vững thị phần tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản.

Mặc dù vậy, khi hàng rào thuế quan được xóa bỏ, các nước sẽ dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước và thị trường nội địa.

Thời điểm này, các nước khác trong khối AEC đều đã dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm giày dép nhập khẩu. Do vậy, việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật với doanh nghiệp FDI, hoặc doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu không gặp nhiều trở ngại.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nội địa lại rất khó đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, khi thuế suất về 0%, tình trạng cạnh tranh quyết liệt giữa các nước trong khối là không thể tránh khỏi.

Để nâng cao sức mạnh nội sinh cho ngành, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng yêu cầu Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam xây dựng đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ cho hai ngành. Sắp tới, hai hiệp hội sẽ xây dựng kế hoạch, lựa chọn địa điểm đầu tư, quy mô dự án, chính sách hỗ trợ và loại nguyên liệu được ưu tiên đầu tư.

Nhằm giúp các doanh nghiệp vững vàng trước sự cạnh tranh của các nước trong khối, các chuyên gia trong ngành nhấn mạnh các doanh nghiệp nên tận dụng thời gian tự đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu.

Doanh nghiệp cần chắc chân trên thị trường nội địa, tạo nền tảng vững chắc trước khi tiến ra thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, phải nâng cao năng lực cạnh tranh, nếu không chuẩn bị tốt Việt Nam sẽ không tận dụng được cơ hội mà AEC mang lại mà phải đối mặt với thách thức nhiều hơn.

Ngoài ra, khi thực hiện mục tiêu AEC vào năm 2015 thì bắt buộc phải thực hiện những cam kết liên quan đến sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, lao động có kỹ năng, vốn, tài chính. Các doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị tốt trong việc bảo vệ thương hiệu cũng như đảm bảo chất lượng mẫu mã tốt hơn.

Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp, Hiệp hội tăng cường cung cấp thông tin giúp cộng đồng doanh nghiệp nhận thức đầy đủ những cơ hội và thách thức khi chính thức hội nhập.