Hiện đã có 36 cơ quan, tỉnh, TP đăng ký tham gia và được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập trong công tác bổ nhiệm cán bộ hiện nay cũng như thu hút được người tài. Bởi với việc mở rộng cơ hội cho cả các đối tượng nằm ngoài quy hoạch hoặc đối tượng chưa phải đảng viên sẽ là cơ hội cho những người có trình độ, năng lực thực chất được tham gia vào công tác quản lý, lãnh đạo.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Việc “cả họ làm quan”, bổ nhiệm người nhà, người thân hay bổ nhiệm sai quy trình… là những vấn đề bức xúc trong công tác cán bộ liên tục được nhắc đến. Liên tiếp các trường hợp, vụ việc được báo chí đưa tin, cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Điều đáng buồn là tất cả các trường hợp được bổ nhiệm đều được những người liên quan lý giải đã làm “đúng quy trình”, và “không có gì khuất tất”. Tất cả đều được lựa chọn quy hoạch, đưa đi đào tạo, luân chuyển… rồi mới bổ nhiệm, đề bạt. Bổ nhiệm đúng quy trình nhưng vẫn bị nghi vấn; đúng quy trình nhưng lại gây bức xúc trong dư luận xã hội, bởi “đúng quy trình nhưng lại không chọn trúng người”. Vô tình, quy trình được coi là tấm lá chắn, là cái cớ để bảo vệ, hợp pháp hóa những việc làm sai trong việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.
Lý giải nguyên nhân cũng đã được các cơ quan chức năng đưa ra nhiều, trong đó có việc thẩm định hồ sơ để bổ nhiệm, đề bạt có rất nhiều kẽ hở, dù có rất nhiều cấp xét. Làm đúng quy trình nhưng cán bộ được bổ nhiệm vẫn sai phạm, thậm chí vi phạm pháp luật. Bởi thế, việc thí điểm thi này dù không phải thay quy trình về công tác cán bộ, nhưng “làm được việc này sẽ là cơ sở tốt để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, chọn được đúng người, tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ”. Và như người đứng đầu ngành Nội vụ đã nhận định: “Trước đây, mình xem trong đội ngũ có những ai thì chọn đồng chí này, đồng chí kia, bây giờ không chọn như vậy nữa mà nhiều người có tiêu chuẩn, điều kiện giống nhau cùng trải qua kỳ thi để chọn được người tốt nhất. Việc thí điểm cũng nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ”.Mới dừng ở bước thí điểm có một số chức danh, nhưng cùng với những đổi mới trong quy trình, công tác bổ nhiệm cán bộ đang được triển khai, Đề án thi tuyển lãnh đạo lần này được kỳ vọng “mang lại một làn gió tốt” trong tuyển chọn tại một số vị trí lãnh đạo. Nhiều ý kiến cho rằng, để Đề án đi vào cuộc sống, đòi hỏi người thực hiện phải là những người công tâm, trung thực, nhất là người đứng đầu; tinh thần trách nhiệm, vì tập thể của mỗi cấp ủy. Và cần phải mở rộng quyền giám sát của đảng viên, Nhân dân, ngăn chặn kịp thời những trường hợp “lách luật” để tuyển dụng, bổ nhiệm không đúng. Có ý kiến cho rằng, vấn đề đặt ra là phải có một bộ khung về tiêu chuẩn cho tất cả các chức danh trong bộ máy hành chính Nhà nước, cấp nào ràng buộc tiêu chuẩn chức danh ấy để làm sao những ai thấy rằng mình “tài hèn đức mọn” không dám mơ đến.