Nằm chung bảng A với chủ nhà Myanmar tại vòng bảng cũng đồng nghĩa với việc đội tuyển nữ Việt Nam chắn chắn sẽ tránh được đối thủ này tại bán kết. Mà tránh được đội chủ nhà trước trận chung kết là điều rất quan trọng ở mọi giải đấu quốc tế.
Hy vọng niềm vui này sẽ lặp lại với đội tuyển nữ tại SEA Games 27
|
Cú hích về mặt tinh thần trước giờ lên đường
Việc đội tuyển nữ Việt Nam nhận được gói tài trợ đến 6 tỷ đồng từ Nutifood trước khi dự SEA Games có thể xem là động lực rất lớn đối với các cầu thủ nữ. Ít khi bóng đá nữ được quan tâm đến như vậy. Cũng hiếm khi người ta thấy đội tuyển nữ được vạch lộ trình cụ thể để hướng đến một mục tiêu cụ thể (giành vé dự VCK World Cup 2015).
SEA Games 27 chính là một phần trong kế hoạch hướng đến giải thế giới, là bước đầu tiên trong kế hoạch lớn ấy, nên ở SEA Games 27, đội tuyển nữ Việt Nam cũng được quan tâm đáng kể.
Cụ thể, đoàn quân của HLV Trần Vân Phát sẽ có thêm chuyên gia về dinh dưỡng, như thỏa thuận của phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và nhà tài trợ. Các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt của các cô gái nhiều khả năng sẽ được cải thiện.
Một trong những nhược điểm của đội tuyển nữ Việt Nam so với 2 đội bóng mạnh của khu vực Đông Nam Á là Myanmar và Thái Lan cũng chính là thể lực. Giờ, khi có thêm chuyên gia về dinh dương theo đội, cộng với các bài tập giúp nâng cao về thể lực của HLV Trần Vân Phát, hy vọng rằng sức bền của các cô gái đá bóng sẽ được cải thiện.
Nhắm đến 2 trận đấu then chốt tại SEA Games 27
Xin nói ngay đó là trận bán kết và trận chung kết. Riêng ở chiến dịch vòng bảng, tin rằng đoàn quân của HLV Trần Vân Phát sẽ có một vòng bảng tương đối dễ chịu. Chúng ta không nhất thiết phải đá trận một mất một còn với Myanmar ngay từ vòng bảng, nếu như vẫn còn tính đến chiến dịch đường dài.
Tại SEA Games 27, đội tuyển nữ Việt Nam nằm chung bảng A với chủ nhà Myanmar, Philippines và Indonesia. Trong bóng đá nữ, Philippines và Indonesia chưa phải là đối thủ xứng tầm với đội tuyển nữ Việt Nam.
Chính vì thế, việc chiến thắng 2 đội bóng yếu này, rồi đoạt vé vào bán kết là khả năng nằm trong tầm tay của thầy và trò HLV Trần Văn Phát.
Cũng ở vòng bảng, đối thủ đáng ngại nhất của đội tuyển nữ Việt Nam là Myanmar. Nhưng như đã nói ở trên, chúng ta không nhất thiết phải bung hết sức đá với đội chủ nhà quá sớm, trong một chiến dịch đường dài.
Trận đấu với Myanmar là trận đấu cuối cùng của vòng bảng cũng được xem là điều thuận lợi cho đội tuyển nữ Việt Nam. Khi đó, các cô gái của HLV Trần Vân Phát sẽ rộng đường tính hơn. Khi đó, 2 chiếc vé vào bán kết của bảng A có khi cũng đã an bài, và chúng ta cũng không cần phải tranh chấp ngôi đầu bảng với Myanmar, rồi chịu những tốn thất về người cũng như nhận những thẻ phạt không đáng có.
2 mục tiêu quan trọng nhất của đội tuyển nữ Việt Nam trong toàn bộ chiến dịch SEA Games chính là trận bán kết và trận chung kết (nếu ta đến được trận ấy). Có thể ở bán kết, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ gặp Thái Lan (nhiều khả năng sẽ đứng đầu bảng B).
Dù vậy, Thái Lan cũng chẳng phải là mục tiêu không thể khuất phục của bóng đá nữ Việt Nam. Trong nhiều năm qua, khi đụng độ đội nữ Thái Lan, đội tuyển nữ Việt Nam thường thắng nhiều hơn thua.
Vượt qua cửa ải ấy, chúng ta có thể sẽ gặp lại chủ nhà Myanmar ở chung kết. Đấy là thử thách thực sự. Nhưng gặp đội chủ nhà trong trận chung kết dù sao cũng đỡ hơn là việc phải đụng họ ở bán kết (vì tác động của trọng tài – nếu có – cũng không dữ dội bằng, vì xong trận chung kết giải đã kết thúc, nước chủ nhà không nhất thiết phải can thiệp để níu chân khán giả đến sân bằng mọi cách).
Dĩ nhiên, chinh phục mục tiêu cao nhất ở SEA Games không phải là chuyện cứ hễ nói là làm được ngay. Nhưng tin rằng với kinh nghiệm của đội tuyển nữ Việt Nam, với tài cầm quân của HLV Trần Vân Phát, cộng với tài năng của các cô gái đá bóng, chúng ta vẫn có cơ hội không nhỏ để bảo vệ tấm HCV môn bóng đá nữ.