Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội để tập trung cổ phần hóa MobiFone

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 888/QĐ-TTg ngày 10/6/2014 phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT). Đây là bước ngoặt quan trọng để mạng MobiFone và VinaPhone chính thức "chia hai ngả": VinaPhone ở lại VNPT còn MobiFone sẽ được tách nguyên trạng về trực thuộc Bộ TT&TT.

Những người trong và ngoài cuộc đều hiểu, việc tách MobiFone là một thiệt thòi lớn của VNPT vì nhà mạng này là "con gà đẻ trứng vàng" đóng góp tới 70% lợi nhuận cho cả Tập đoàn. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh vừa qua và hiện nay, việc tách MobiFone là cần thiết và cấp bách để tạo ra thị trường viễn thông thế "chân vạc" MobiFone - VinaPhone -  Viettel, đồng thời tạo điều kiện cho nhà mạng này tiếp tục phát triển mà không phải mang quá nhiều gánh nặng từ VNPT. Trong khi đó, VinaPhone cũng có cơ hội được độc lập phát triển theo một hướng mới.
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh MobiFone Nguyễn Chí Thanh.      Ảnh: Linh Anh
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh MobiFone Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Linh Anh
 
Cụ thể, theo Quyết định của Thủ tướng, VNPT sẽ thành lập Công ty TNHH MTV Dịch vụ viễn thông (VNPT - VinaPhone) trực thuộc VNPT. VNPT -VinaPhone sẽ được xây dựng trên cơ sở hợp nhất các đơn vị, bộ phận đang kinh doanh dịch vụ viễn thông của VNPT để tập trung kinh doanh các dịch vụ viễn thông của VNPT. Như vậy, có thể hiểu, phần kinh doanh của VNPT cũng sẽ được tổ chức lại trên nền tảng hợp nhất mảng kinh doanh dịch vụ của các công ty như VinaPhone, VDC, VTN, VTI chứ không chia cắt kinh doanh từng dịch vụ như trước đây. Giới phân tích nhận định, mô hình này của VNPT được tổ chức lại giống với mô hình của Viettel Telecom đang áp dụng.

Riêng MobiFone sẽ tách nguyên trạng về trực thuộc Bộ TT&TT. Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT trình Thủ tướng phê duyệt phương án cổ phần hóa MobiFone trong năm 2014. Thủ tướng cũng chỉ đạo không chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại 62 công ty cổ phần nêu trong Đề án và hệ thống vệ tinh Vinasat 1, Vinasat 2 ra khỏi VNPT (Mặc dù trước đó, trong phương án tái cơ cấu VNPT mà Bộ TT&TT và VNPT trình Chính phủ có đề xuất, khi tách MobiFone sẽ tách kèm với 62 đơn vị và 2 vệ tinh Vinasat nhằm giảm bớt gánh nặng cho VNPT). Quyết định của Thủ tướng cho thấy, vấn đề mấu chốt là cổ phần hóa, vì vậy phải tách MobiFone ra để thực hiện chủ trương này và không tách kèm bất cứ đơn vị nào của VNPT. 

Hiện, chưa có thông tin chính xác là sau khi cổ phần hoá, các đối tác có thể chiếm bao nhiêu phần trăm cổ phần trong MobiFone. Song theo chia sẻ của Cục trưởng Cục Viễn thông Phạm Hồng Hải, Việt Nam cam kết khi gia nhập WTO, cổ phần của doanh nghiệp nước ngoài trong các doanh nghiệp hạ tầng trong đó có viễn thông có thể chiếm đến 49%.

Như vậy, sau gần 10 năm có chủ trương với những bước chuẩn bị kỹ càng, việc cổ phần hóa MobiFone đã và đang được xúc tiến thực hiện và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2015.