Công nghệ số đang dần thay đổi cơ bản hình thức cung ứng các dịch vụ tài chính - NH. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang khiến các NH, các đơn vị cung cấp dịch vụ trên thế giới ứng dụng nhiều hơn các công nghệ tiên tiến trong cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính sáng tạo như trí tuệ thông minh nhân tạo (AI), học máy (ML), phân tích dữ liệu nâng cao, công nghệ sổ cái phân tán (DLT), điện toán đám mây và các giao diện lập trình ứng dụng (APIs) và sự tham gia sâu rộng của các công ty công nghệ trong lĩnh vực tài chính (Fintech).
NHNN đặc biệt chú trọng việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm nhằm tăng cường phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, an toàn, an ninh bảo mật cho ngành NH; Tích cực hỗ trợ thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển các công ty công nghệ tài chính. Các khó khăn thách thức gây trở ngại cho quá trình số hóa các NHTM Việt Nam trong đó có các vấn đề về mặt xây dựng môi trường thể chế chính sách với sự chung tay của các Bộ, ngành trong nền kinh tế.Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh |
Giám đốc Công nghệ và Vận hành, Ngân hàng China CITIC quốc tế (CNCBI HongKong) Michael Leung chia sẻ: CITIC chuyển sang NH số là tập trung vào NH bán lẻ với đối tượng là những người sử dụng lẻ trong công việc hàng ngày, ví dụ như ví điện tử có thể dùng trong thanh toán, bán bảo hiểm, thanh toán du lịch…; ứng dụng NH cảm ứng bằng tay, nhận diện bằng khuôn mặt, giọng nói, sinh trắc học… Tại Việt Nam, các ứng dụng NH điện tử hiện nay vẫn thuần túy là gửi tiền, chuyển tiền và thanh toán nhưng khi cần vay, cấp thẻ tín dụng... khách hàng vẫn phải đến điểm giao dịch.
Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) Phạm Tiến Dũng nói về mô hình để trở thành NH số là 3 - 1 - 0. Có nghĩa 3 phút khách hàng có thể trải nghiệm, trong 1 giây hệ thống tự động trả lời đồng ý hay không đồng ý cho giải ngân gói vay đó, và 0 là không có người nào có thể can thiệp. Với các Fintech cũng vậy, chỉ sau 5 phút họ biết được anh là ai, có cho anh vay không. Theo ông Dũng, thời gian qua, nhiều NH trong nước đã chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh và sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa như: Tiên Phong (TP Bank) với NH tự động LiveBank, VPBank với ứng dụng NH số Timo, Phương Đông với chiến lược chuyển đổi NH số, Vietcombank với không gian NH số Digital Lab, Vietinbank với corebank thế hệ mới và kho dữ liệu DN hiện đại, NH Quân đội với ứng dụng trợ lý ảo ChatBot phục vụ 24x7 trên mạng xã hội, Napas với dịch vụ số hóa thẻ nội địa... Khảo sát của NHNN trong tháng 4/2018 cho thấy, có 94% NH bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 35% NH đã và đang triển khai xây dựng chiến lược chuyển đổi số, 6% NH hiện chưa tính đến việc xây dựng một chiến lược chuyển đổi số tổng thể.
Thách thức dữ liệu, nguồn nhân lựcTheo ông Il Dong - Chuyên gia Tư vấn cao cấp về Kinh doanh NH Bán lẻ và NH số, Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Công ty Tư vấn Oliver Wyman (OW), NH số đòi hỏi thuận tiện nhưng cũng phải an toàn. NH số đòi hỏi một hạ tầng công nghệ và khung pháp lý tương thích. Đồng quan điểm, ông Phạm Tiến Dũng thừa nhận, một trong những thách thức lớn để có thể thúc đẩy nhanh NH số ở Việt Nam đó là dữ liệu và nguồn nhân lực. Đơn cử như trong dữ liệu, chứng minh thư truyền thống hiện nay vẫn có thể làm giả, thay ảnh, dẫn đến hiện tượng mua bán, sử dụng tài khoản NH “tên tôi, mặt người khác, giao dịch giả danh tôi”.
“Ở Trung Quốc, Ấn Độ có kho lưu trữ thông tin cá nhân, thông tin vân tay. Ở Việt Nam như tôi được biết đã có rồi nhưng chưa đủ và không rõ có được dùng trong kho đó hay không? Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo và các cơ quan Nhà nước vào cuộc hy vọng sắp tới sớm có nền tảng cơ sở dữ liệu”- ông Dũng chia sẻ thêm.
Về nguồn nhân lực con người, theo đề xuất của Giám đốc Saba Việt Nam Nguyễn Khắc Dũng, có thể vừa đào tạo dần đáp ứng nhu cầu hoặc thuê các nội dung platform từ nước ngoài, từ đó có chiến lược dài hơi hơn.