Nhập siêu giảm nhưng nỗi lo vẫn còn
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2014, các DN Việt Nam đã NK lượng hàng hóa dành cho sản xuất trị giá 18,27 tỷ USD, tăng 16,5%, chiếm tỷ trọng 87,7% kim ngạch NK. Một số thị trường châu Á lượng nhập siêu tăng cao như: Trung Quốc (4 tỷ USD), ASEAN (515 triệu USD), Hàn Quốc (2,47 tỷ USD), Đài Loan (1,28 tỷ USD)...
Thực tế hoạt động sản xuất hàng hóa xuất khẩu (XK) hiện nay cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất hàng XK chủ yếu là làm gia công nên XK càng cao thì NK càng lớn. Hiện, ngành dệt may, giày dép, đồ gỗ có tới 80 - 85% nguyên liệu sản xuất đầu vào đều phải NK. Chẳng hạn, nguyên liệu bông NK hiện chiếm đến 99% nhu cầu, trong khi nguồn bông trong nước chỉ đáp ứng 1%. Như vậy, nếu lấy kim ngạch XK trừ đi kim ngạch NK thì giá trị gia tăng của các ngành này mang lại không cao.
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho biết: Hiện, tỷ lệ nội địa hóa ngành chỉ chiếm 40 - 45% (chủ yếu là đế giày và chỉ khâu và một phần da nguyên liệu sản xuất hàng trong nước). Việc sản xuất hàng XK hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu NK từ Mỹ, Canada, Australia...
Sản xuất khuôn đúc tại Công ty Toho Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải
Mặc dù ngành công thương đã đề ra một số giải pháp kiềm chế nhập siêu nhưng lại chỉ tập trung vào nhóm hàng hóa cần hạn chế và kiểm soát NK, trong khi tỷ trọng của hai nhóm này chỉ chiếm 16,9% trong tổng kim ngạch NK. Ngược lại, nhóm hàng cần NK (gồm máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, kể cả sản xuất hàng XK...) chiếm tỷ trọng khoảng 87,7% kim ngạch NK nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu trong việc giảm NK đối với nhóm này.
Giải pháp nào kiềm chế nhập siêu nguyên liệu?
Để có thể giảm nhập siêu mặt hàng nguyên liệu dành cho sản xuất hàng XK thì việc quy hoạch, phát triển công nghiệp phụ trợ là điều cần thiết, bên cạnh đó là gia tăng XK những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh về nguyên liệu như: Hàng nông, lâm, thủy sản...
Theo TS Nguyễn Minh Phong, Chính phủ đã quan tâm đến phát triển công nghiệp phụ trợ, nhưng quan trọng là các ngành, các lĩnh vực phải xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ cho từng lĩnh vực; Có định hướng rõ ràng sản phẩm làm ra cung cấp cho ai, làm sao tham gia vào chuỗi cung ứng. Cùng với đó, Nhà nước cần có chính sách vốn vay để hỗ trợ DN phát triển công nghệ, tạo hành lang pháp lý cho các vụ tranh chấp thương mại, bảo vệ sở hữu trí tuệ; Ngoài ra, chính sách thuế cũng cần thay đổi để khuyến khích đầu tư công nghiệp phụ trợ.
Ông Lê Quang Lân - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng: Ngành công thương nên chọn 20 nhóm hàng có kim ngạch NK lớn để khuyến khích sản xuất trong nước chứ không nên quá chú trọng việc hạn chế những mặt hàng tiêu dùng có giá trị NK không nhiều.
Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, đẩy mạnh XK những mặt hàng có lợi thế về nguyên liệu cũng là giải pháp giảm nhập siêu hữu hiệu. Hiện, tổng kim ngạch NK nông sản của Trung Quốc hơn 110 tỷ USD/năm, thâm hụt thương mại nhóm hàng này là gần 50 tỷ USD. Trong khi đó, kim ngạch XK hàng nông sản Việt Nam sang thị trường này tăng trưởng bình quân đạt 35,9%/năm và đã chiếm 14% kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đó, nếu gia tăng được lượng sản phẩm nông sản XK sang Trung Quốc, có thể góp phần thu hẹp cán cân thương mại giữa hai nước...
Tuy nhiên, để giảm nhập siêu, giải pháp quan trọng hơn cả là phải giảm dần việc NK nguyên liệu sang NK máy móc hiện đại từ thị trường các nước phát triển. Việc làm này là động thái nâng cao giá trị gia tăng cho hàng XK Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương khuyến khích DN đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ theo hướng phát triển các chuỗi giá trị khi mà sản phẩm đầu ra của DN này sẽ là đầu vào của DN khác. Đây là cơ sở để các DN bớt phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập ngoại và tạo sự gắn kết và có cơ hội trở thành nhà cung cấp linh kiện cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, qua đó tiếp thu chuyển giao công nghệ ngay ở trong nước…