Bên lề Hội thảo “Tiềm năng thương mại và cơ hội đầu tư ASEAN - EU” lần thứ 3, phóng viên báo Kinh tế&Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam về vấn đề này.
FTA Việt Nam - EU được ký kết sẽ tạo thuận lợi lớn cho DN trong tiêu thụ sản phẩm.Trong ảnh: Sản xuất đồ hộp xuất khẩu sang EU tại Khu công nghiệp Hapro. Ảnh: Hoài Lê
Là một thị trường tiêu thụ lớn với nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam có tầm quan trọng như thế nào đối với các nước EU trong việc cùng hợp tác phát triển kinh tế chung?
- Đối với các nước EU, ASEAN trong đó có Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3, với hơn 206 tỷ Euro giao dịch hàng hóa và dịch vụ trong năm 2011. Còn EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 của ASEAN, chiếm khoảng 11% thương mại của ASEAN.
Riêng đối với Việt Nam, EU là thị trường nước ngoài lớn và quan trọng nhất trong hoạt động xuất khẩu. Trong năm 2012, các DN Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường EU lượng hàng hóa trị giá 20,3 tỷ USD, chiếm 17,7% doanh thu xuất khẩu của Việt Nam. EU cũng là một trong những đối tác đầu tư hàng đầu của Việt Nam trong nhiều năm qua.
Hiện, Việt Nam cùng với EU đã có 2 vòng đám phán về FTA, dự kiến trong năm 2013 sẽ tiếp tục vòng đám phán thứ 3. Việc ký kết FTA Việt Nam - EU sẽ tạo thuận lợi và gây khó khăn gì đối với DN Việt Nam?
- EU, thị trường lớn nhất thế giới với 500 triệu người tiêu dùng, đây là một thị trường rộng lớn cho DN Việt Nam xuất khẩu hàng hóa. Nhưng điều quan trọng hơn cả nếu FTA với EU được ký kết các mức thuế suất vào thị trường này sẽ giảm đáng kể. Chẳng hạn thuế suất ngành da giầy sẽ giảm từ 12,4% hiện nay xuống còn 0%, điều này sẽ tạo cho ngành da giày lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó FTA còn tạo thêm cơ hội cho các DN thu hút đầu tư từ các nước EU trong nhiều lĩnh vực như: Nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, máy móc thiết bị… Việc hợp tác này cũng là tiền đề cho các DN nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm xây dựng "rào cản" đối với hàng Trung Quốc, bởi đến năm 2015 thị trường ASEAN sẽ phải mở cửa cho hàng hóa Trung Quốc thâm nhập.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi do FTA mang lại các DN cũng phải đối mặt với những khó khăn như: Khi mức thuế của cả hai phía giảm sẽ khiến giá hàng hóa từ EU giảm mạnh. Điều này dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước tại thị trường nội địa sẽ gặp khó khăn, thậm chí sẽ có những ngành phải thu hẹp sản xuất do không cạnh tranh được. Khi hoạt động xuất khẩu vào thị trường EU được đẩy mạnh các DN trong nước dễ phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá, đây là lĩnh vực mà DN Việt còn non kinh nghiệm đối phó.
Đây là thực tế của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mà các quốc gia tham gia phải chấp nhận, miễn là lợi ích thu được phải luôn lớn hơn chi phí của việc thay đổi cơ cấu do cạnh tranh.
Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh từ các nước ASEAN trong hoạt động thu hút vốn FDI từ các nước EU. Vậy, trong thời gian tới Việt Nam còn có thể đẩy mạnh thu hút FDI từ EU hay không?
- Đúng là chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam giảm trong năm 2012 nhưng DN EU đầu tư tại Việt Nam đều hiểu rằng những bất cập này chỉ xuất hiện trong ngắn hạn. Chính phủ đã có những giải pháp tháo gỡ đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng, từ đó tao môi trường kinh doanh lành mạnh.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực thu hút vốn FDI, Việt Nam có lợi thế so với các nước ASEAN về chi phí lao động thấp, số lượng lao động có tay nghề của một số ngành như dệt may, da giày đã được nâng cao... Điều này tạo ra động lực thúc đẩy dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Hiện EU có 1.781 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 33,4 tỷ đô la. Riêng trong năm 2012, mặc dù kinh tế thế giới nhiều khó khăn, EU cũng đã đầu tư gần 900 triệu USD trong tổng số 13 tỷ USD cam kết. Điều đó cho thấy, thị trường Việt Nam vẫn có sức hút lớn đối với các DN EU.
Xin cảm ơn ông!