Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS) cho biết, hiện nay, ngành công nghiệp bán dẫn đang phát triển nhanh chóng và trở thành một trong những ngành công nghiệp then chốt của thế giới. Các quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đang đẩy mạnh đầu tư và cạnh tranh quyết liệt trong lĩnh vực này.
Ở cấp độ quốc gia, Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành cho rằng, có 3 làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng bán dẫn. Lần thứ nhất là việc hoạt động sản xuất ở Mỹ dịch chuyển sang Nhật Bản và châu Âu. Lần thứ hai là dịch chuyển từ Mỹ, Nhật, châu Âu sang các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc. Và lần thứ ba là lần dịch chuyển hiện nay thường gọi là tái định dạng bản đồ bán dẫn toàn cầu.
Trong bản đồ mới này, tất cả các trung tâm bán dẫn toàn cầu hiện nay đều muốn đưa hoạt động sản xuất của fab – nhà máy sản xuất chip bán dẫn quay trở lại trong nước bằng cách đầu tư mới hoặc mở rộng công suất nhằm đảm bảo tính liên tục của chuỗi cung ứng ở các loại chip hoặc các nút quy trình khác nhau.
Như vậy, trong thập niên kế tiếp, trong khi hoạt động R&D với ưu thế về EDA, IP, SME trọng yếu của front-end và back-end vẫn thuộc về Mỹ, châu Âu thì hoạt động chế tạo front-end sẽ có thêm công suất của Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và phần nào là Đông Nam Á. Hoạt động lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip (ATP) vẫn sẽ được tăng cường ở Đông Bắc Á, Đông Nam Á và có thể mở rộng sang châu Âu.
“Việc xây dựng ngành bán dẫn có thể là sự nghiệp của 10 năm, thậm chí 20 năm. Tôi cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể tính toán để trở thành một điểm trong “chuỗi cung ứng tiềm năng” của ngành bán dẫn. Hoạt động đầu tư xây dựng fab trong thời gian vừa qua đang tạo ra nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực kỹ thuật, về nhà máy ATP và về nguyên vật liệu” – ông Thành nói và nhấn mạnh, nếu đón đầu được nhu cầu này, vai trò của Việt Nam sẽ ngày càng quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng. Do vậy, việc chuẩn bị về nguồn nhân lực rất quan trọng, không chỉ đào tạo nhân lực làm việc mà phải đào tạo cả “nhân lực đào tạo” đủ tiêu chuẩn, chất lượng cao.
Đặc biệt, ông Thành nhấn mạnh, xét theo các trụ cột về chính sách ngành bán dẫn, Việt Nam đang có lợi thế ở một số khía cạnh.
Về trụ cột chính sách, Việt Nam đang có quyết tâm chính trị và sự cam kết cấp cao khi Đảng và Chính phủ đã ban hành những văn bản quan trọng để xác lập khung khổ phát triển ngành bán dẫn của đất nước trong vòng 20 – 30 năm tới. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng đã lần lượt ban hành hoặc chuẩn bị ban hành các chính sách phối hợp đồng bộ với chủ trương của Chính phủ.
Về trụ cột nhân lực, Việt Nam đã xác định được tầm quan trọng của nguồn nhân lực kỹ thuật bán dẫn chất lượng cao và đã thúc đẩy các trường đại học, viện nghiên cứu hiện thực hoá kế hoạch chuẩn bị nhân lực cho tương lai.
Về trụ cột môi trường kinh doanh, các hoạt động chuẩn bị về năng lượng đã được thảo luận nghiêm túc trong các chương trình nghị sự. Ngoài ra, Việt Nam cũng có lợi thế trong việc trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn nhờ vào các chính sách thương mại và đầu tư chủ động, tích cực của mình.
Nhưng thách thức với Việt Nam nổi bật nhất là chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật và phải cạnh tranh với nhiều quốc gia khác trong việc thu hút sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng ngành bán dẫn.
Liên quan đến ngành bán dẫn, ngày 21/9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Đây là bước tiến lớn trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, một ngành công nghiệp đang trở thành trụ cột trong nền kinh tế toàn cầu.
Chi tiết về lộ trình, Chính phủ đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam theo 3 giai đoạn: giai đoạn 1 đến năm 2030; giai đoạn 2 đến năm 2040; giai đoạn 3 đến năm 2050.
Đến năm 2030 sẽ có 100 công ty thiết kế chip, ít nhất 1 nhà máy sản xuất chip, 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử chip, 50.000 nhân lực trong ngành bán dẫn vi mạch.
Đến năm 2040 có 200 công ty thiết kế, 2 nhà máy sản xuất chip, 15 nhà máy đóng gói, 100.000 nhân lực.
Và đến năm 2050 sẽ có 300 công ty thiết kế, 3 nhà máy sản xuất chip, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử.