70 năm giải phóng Thủ đô

Cơ hội nào cho sự đổi mới?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại hội (ĐH) Hội Nhà văn Việt Nam lần 9 đã kết thúc cuối tuần qua sau 3 ngày (9 -...

Kinhtedothi - Đại hội (ĐH) Hội Nhà văn Việt Nam lần 9 đã kết thúc cuối tuần qua sau 3 ngày (9 - 11/7) “rôm rả”. Nhờ mạng xã hội  nên dù không nằm trong số 542 đại biểu tham dự, nhưng người ta vẫn dõi theo được nhất cử nhất động diễn ra trong ĐH. Chỉ có điều, hầu hết đó là những chuyện hậu trường ồn ào mà ít thấy nhắc đến chuyện nghề - vấn đề lẽ ra phải là một nội dung chính.

Hậu trường nóng trên facebook

Hai ngày đầu, ĐH “họp kín” nên ngoài các đại biểu (nhận diện bằng thẻ đeo trước ngực) được vào, còn lại là không, kể cả phóng viên. Nhưng dù có kín thì cũng không “qua mặt” được… facebook. Rất nhiều hình ảnh cùng những thông tin nóng hổi của ĐH hiện diện ngập tràn trên Newfeed: Chuyện nhà văn “lão thành” O.V.T trong lúc nghe báo cáo đã dựa vào ghế… ngủ, đầu ngoẹo sang một bên khiến những người trong phòng được một phen hú vía tưởng ông bị xỉu. Hay chuyện nhà thơ V.Q.P muốn ra ngoài “giải quyết nỗi buồn” bị bảo vệ chặn cửa cùng với tuyên bố “một đi không được trở lại”…
Các đại biểu tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 9.
Các đại biểu tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 9.
Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm hơn cả là nhân sự Ban chấp hành (BCH) khóa mới. Dễ có đến 2/3 thời gian của ĐH dành để thảo luận về vấn đề này. Với 404 hội viên được giới thiệu vào BCH, dự định ban đầu của ĐH là sẽ có 15 người nằm trong BCH, nhưng kết quả không như ý muốn, khi chỉ có 6 ứng viên đạt số phiếu quá bán, gồm: Nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Nguyễn Trí Huân, nhà văn Khuất Quang Thụy, nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Nguyễn Bình Phương. Độ “nóng” như càng tăng khi nhìn vào danh sách BCH khóa 9, người ta thảng thốt nhận ra số lượng ít đã đành, mà cả 6 người đều đến từ Hà Nội. Hoàn toàn không có đại diện nữ, dân tộc thiểu số hoặc trẻ. “Hội” đã tan nhưng dư âm của nó có lẽ vẫn còn trong tâm trí nhiều người, nhất là ngôi vị Chủ tịch Hội khóa mới vẫn là người cũ - nhà thơ Hữu Thỉnh, năm nay 73 tuổi. Thêm nhiệm kỳ này nữa, ông được cộng đồng ghi nhận “kỷ lục” là người giữ chức vụ Chủ tịch Hội Nhà văn lâu nhất, với 20 năm liên tục. Bên cạnh đó, trong danh sách BCH có đến 4/6 người thuộc diện tái đắc cử, chỉ có 2 thành viên mới là nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Nguyễn Bình Phương.

Không một phút nói về nghề

Theo lẽ thường, một vấn đề quan trọng không kém câu chuyện nhân sự của bất kỳ ĐH nghề nghiệp nào là chuyện nghề. Tuy nhiên, vấn đề này đã bị “chìm lấp” ở đâu đó trước những chuyện hậu trường hay bầu BCH trong kỳ ĐH của Hội Nhà văn Việt Nam vừa qua. Việc trình bày tham luận, qua đó trao đổi và góp ý trực tiếp về nghề cũng không thành công. Được biết, đã có 10 tham luận được gửi đến Ban tổ chức ĐH, nhưng thời gian eo hẹp nên chỉ mới trình bày được… 2. Các tham luận còn lại sẽ tiếp tục được đăng tải trên website của Hội Nhà văn trong thời gian tới. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Y Ban than thở trên tài khoản facebook của mình: “Ba ngày ĐH không có một phút nào nói về nghề, chỉ chuyên mỗi việc bầu bán!”.

Giống như các kỳ ĐH trước, mong muốn đề ra của ĐH lần này vẫn là đổi mới mạnh mẽ tư duy nghệ thuật và phương thức hoạt động, đề cao tính tích cực xã hội của nhà văn, tập trung cao độ mọi nguồn lực và điều kiện sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam. Tuy nhiên, đổi mới như thế nào, đổi mới đến đâu vẫn đang là vấn đề bỏ ngỏ với những đại biểu tham dự cũng như gần 500 nhà văn không có may mắn được đến ĐH lần này (tính đến hiện tại, Hội Nhà văn Việt Nam có 1.014 hội viên).

Việc đổi mới và nâng cao chất lượng tác phẩm được xem là vấn đề sống còn của văn học, nhất là giờ đây, chúng ta đã bắt đầu bàn đến câu chuyện quảng bá và xuất khẩu văn học. Cấp thiết là vậy, nhưng lạ thay, câu chuyện này lại không được bàn đến trong kỳ ĐH vừa qua. Liên quan đến vấn đề này, nhà văn Võ Diệu Thanh cũng cho rằng, bất cứ nhà văn nào cũng cần quan tâm đến đổi mới văn học, nâng cao giá trị tác phẩm. “Tôi đổi mới trước hết là vì tôi và bạn đọc. Tôi không đổi mới thì chính tôi sẽ cảm thấy chán với bản thân mình, sẽ không viết được nữa. Mà không viết được nữa thì buồn lắm” – chị chia sẻ.