Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội và thách thức

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 30 năm kể từ Ngày quốc tế Người cao tuổi đầu tiên được tổ chức vào năm 1991, đến nay người cao tuổi đã, đang và sẽ khẳng định vị trí, tầm quan trọng và ảnh hưởng của mình trong các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội của thế giới.

Người cao tuổi trên toàn thế giới đang tiếp tục lao động trực tiếp, gián tiếp, góp phần vào sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Tại Việt Nam, khoảng 46% người cao tuổi vẫn đang làm các công việc được trả lương, nhiều người cao tuổi là những chuyên gia, nhà khoa học, có đóng góp lớn, thiết thực cho mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Có thể nói, với tốc độ già hóa dân số thuộc nhóm nhanh nhất thế giới của Việt Nam hiện nay, đang là cơ hội cũng như đặt ra những thách thức không nhỏ. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, người cao tuổi của nước ta hiện chiếm 11% dân số, riêng số người từ 80 tuổi trở lên là 2 triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 17% và năm 2050 là 25% dân số.
Theo các chuyên gia dân số, hơn bao giờ hết, già hóa dân số trước hết cần được nhìn nhận trên khía cạnh tích cực. Dân số cao tuổi không có nghĩa hoàn toàn là gánh nặng mà đây là cơ hội lớn cho các ngành kinh tế dịch vụ cho người cao tuổi phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, là những thách thức không nhỏ khi còn nhiều người đang sống ở mức nghèo, cận nghèo... Có đến 70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất, 18% sống trong hộ nghèo. Đặc biệt, có đến 35% người cao tuổi khi được phỏng vấn cho biết, họ cảm thấy thất vọng, 33% không biết chia sẻ vui, buồn cùng ai, 22% cảm thấy rất cô đơn.
Ngoài ra, một vấn đề đáng lo ngại, người cao tuổi tại Việt Nam đang phải chịu gánh nặng bệnh tật kép. Tuy nhiên, hệ thống y tế chuyên khoa khám, điều trị cho người cao tuổi ở nước ta thiếu trầm trọng, an sinh cho người cao tuổi cũng còn nhiều hạn chế.
Bởi vậy, để thích ứng với già hóa dân số, tạo điều kiện hỗ trợ người cao tuổi, trước hết, mỗi cá nhân, gia đình cần nhận thức và chủ động chuẩn bị cho tuổi già. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để người cao tuổi phát huy được lợi thế về khả năng, kiến thức, tính trách nhiệm, uy tín và kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, tăng cường dịch vụ y tế và mở rộng các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, đặc biệt các dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ tại cộng đồng. Và hơn hết, là một chính sách tiếp cận toàn diện hơn, một xã hội dung nạp, vừa giải quyết các vấn đề hiện tại do tác động của già hóa dân số tới cả người cao tuổi và người trẻ tuổi, vừa phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.
Các chuyên gia xã hội học cho rằng, điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách phải ý thức về xu hướng già hóa và đảm bảo người cao tuổi tiếp tục đóng vai trò tích cực trong cộng đồng để tránh bị cô lập. Để người cao tuổi ngày càng sống vui, sống khỏe, sống có ích cho chính mình, gia đình và xã hội.