Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội “vàng” để đóng góp vào xây dựng định hướng phát triển Thủ đô

Vũ Cúc - Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 21/7, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai công tác lập quy hoạch Thủ đô  Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô).

Dự và chủ trì Hội nghị có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, các Phó Chủ tịch UBND TP, đại diện các sở, ngành, quận, huyện, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô.

Đảm bảo kế hoạch đặt ra

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, việc TP tổ chức Hội nghị triển khai công tác lập quy hoạch Thủ đô  nhằm triển khai 1 trong 3 nội dung lớn của TP đã được BCH Đảng bộ TP thông qua tại Hội nghị lần thứ 12, đó là: Tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tổ chức lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đồng  thời, việc tổ chức Hội nghị triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô là bước cụ thể hóa các nghị quyết và các quy định của những luật liên quan.

Cơ hội “vàng” để đóng góp vào xây dựng định hướng phát triển Thủ đô - Ảnh 1Toàn cảnh Hội nghị.

“Với quyết tâm vào cuộc của toàn hệ thống chính trị thành phố; sự chủ động phối hợp, bám sát tiến độ công việc của cơ quan lập quy hoạch cùng liên danh các đơn vị tư vấn; các chuyên gia, nhà khoa học tâm huyết đóng góp ý kiến… tiến độ lập quy hoạch bảo đảm tiến độ, chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu để trình cấp thẩm quyền phê duyệt” - Phó Chủ tịch Hà Minh Hải nêu.

Báo cáo tiến độ lập Quy hoạch Thủ đô, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh cho biết, với nhiệm vụ được giao là đơn vị lập Quy hoạch Thủ đô, đến nay, Viện đã triển khai hoàn thành nhiều công việc. Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô đã hoàn thành và được BCH Đảng bộ TP thông qua.

Lựa chọn được Liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô gồm 7 cơ quan nghiên cứu khoa học, trường đại học hàng đầu. Chủ trì, phối hợp và tham mưu UBND TP tổ chức gần 60 cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tọa đàm xin ý kiến các chuyên gia đầu ngành về công tác lập quy hoạch…

Theo ông Lê Ngọc Anh, từ nay đến cuối năm 2023, Viện sẽ tiếp tục tổ chức các tọa đàm, hội thảo cấp TP; phối hợp với Liên danh tư vấn tổ chức các buổi làm việc, tọa đàm, hoạt động điều tra, khảo sát, thu thập thông tin phục vụ lập Quy hoạch Thủ đô; tích hợp các nội dung đề xuất về quan điểm và mục tiêu chủ yếu, các định hướng ưu tiên, các phương án phát triển của ngành, lĩnh vực, địa bàn của các đơn vị vào quy hoạch; tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành;

UBND cấp tỉnh các địa phương trong vùng và những địa phương liền kề, UBND các huyện; trình và tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định để hoàn thiện hồ sơ và báo cáo UBND TP trình HĐND TP. Sau khi được HĐND TP thông qua, UBND TP trình Chính phủ xin ý kiến Quốc hội trước khi xem xét, phê duyệt quy hoạch  trong tháng 12/2023.

Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Hội nghị.
Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Hội nghị.

Để đảm bảo tiến độ và chất lượng công tác lập Quy hoạch Thủ đô, lãnh đạo Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội kiến nghị, thời gian tới, UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục phối hợp Viện và Liên danh tư vấn đẩy nhanh tiến độ triển khai các hoạt động lập Quy hoạch Thủ đô đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Phối hợp với các tỉnh thành trong Vùng tổ chức các hội thảo, toạ đàm vấn đề có tính liên vùng, liên tỉnh như: Mô hình các thành phố trực thuộc Thủ đô và đô thị vệ tinh; phát triển đô thị theo định hướng TOD.

Đối với Sở Kế hoạch & Đầu tư, chủ trì công tác tham mưu các nội dung liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch theo quy định của pháp luật; Là đầu mối liên lạc với các cơ quan chuyên môn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong công tác hướng dẫn tổ chức lập quy hoạch, tổ chức trình thẩm định, báo cáo tiến độ theo định kỳ.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, Sở Tài nguyên & Môi trường tiếp tục phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội các nội dung liên quan đến tổ chức không gian, lập hệ thống bản đồ, bản vẽ trong quá trình lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội; đảm bảo các nội dung Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội khớp nối, đồng bộ với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, có trách nhiệm phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội và đơn vị tư vấn trong quá trình khảo sát, nghiên cứu, đề xuất các định hướng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để triển khai tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

Đặc trưng của Hà Nội vẫn là “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

Trình bày tóm tắt một số ý tưởng Quy hoạch Thủ đô, đại điện Liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô, GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, thời gian lập quy hoạch Thủ đô rất ngắn nên ngay sau khi TP có quyết định công nhận đơn vị tư vấn (ngày 1/6/2023), liên danh đã tiến hành bước đầu tiên và hoàn thành sau 1 tháng với việc tổ chức 7  toạ đàm với các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành để thu nhận những ý tưởng phát triển các ngành, lĩnh vực và phân bổ không gian.

GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đại diện liên danh tư vấn báo cáo tại Hội nghị.
GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đại diện liên danh tư vấn báo cáo tại Hội nghị.

Theo đó, xác định đặc trưng của Hà Nội vẫn là “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, “Xanh - Thông minh - Thịnh vượng” và là thành phố kết nối toàn cầu. Định hướng phát triển các ngành kinh tế  xác định kinh tế dịch vụ là động lực, trong đó dịch vụ đô thị là nguồn chính. Hà Nội định hướng là trung tâm Logistics hàng không và phân phối hàng hoá khu vực phía Bắc. Văn hoá, di sản, du lịch và dịch vụ vui chơi giải trí phải trở thành nguồn lực chính cho phát triển.

Đại diện liên danh tư vấn cũng nêu các ý tưởng về nhiệm vụ bảo tồn khu phố cổ và khu kiến trúc Pháp; cải tạo chỉnh trang các khu phố cũ, chung cư cũ; phát triển các trục đô thị hướng tâm kết nối với đô thị vệ tinh và trung tâm vùng; quy hoạch giao thông đường sắt; quy hoạch giao thông đường bộ đô thị; quy hoạch không gian dịch vụ hai bên sông Hồng; quy hoạch con đường di sản văn hoá; quy hoạch khai thác các di sản văn hoá lịch sử theo cơ chế PPP; quy hoạch TP khoa học, TP du lịch - văn hoá và TP thu hút giới tinh hoa cùng đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện Quy hoạch.

Dưới góc độ chuyên gia, GS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã có những góp ý quan trọng trong quá trình lập Quy hoạch Thủ đô. Trong đó vị chuyên gia nhấn mạnh, Hà Nội đang đứng trước cơ hội “khác thường” khi lập cả Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội và hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi) cùng thời điểm. Hội thảo được UBND TP tổ chức hôm nay đã thể hiện quyết tâm của thành phố để không bỏ lỡ cơ hội định hướng phát triển trong thời đại mới với sứ mệnh tạo hình  mẫu, dẫn dắt cả nước.

GS Trần Đình Thiên, góp ý kiến cho quá trình lập Quy hoạch Thủ đô.
GS Trần Đình Thiên, góp ý kiến cho quá trình lập Quy hoạch Thủ đô.

“Để lập được bản quy hoạch chất lượng, xứng tầm, Hà Nội cần đánh giá được lợi thế, tiềm năng khác biệt để từ đó biến thành sức mạnh. Tiếp đó, cần nhận định, phân tích rõ xu thế thời đại đang tác động như thế nào đến Hà Nội với tư cách là Thủ đô dẫn dắt cả nước phát triển, đại diện cho quốc gia phát triển thành đô thị cạnh tranh hàng đầu và  định hình rõ sứ mệnh, vai trò, chức năng của Hà Nội đối với đất nước” - PGS. TS Trần Đình Thiên lưu ý.

Cơ hội “vàng” để thể chế hóa các định hướng phát triển

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho biết, đây là thời điểm quan trọng của Thủ đô khi đồng bộ triển khai 3 nhiệm vụ có tính pháp lý cao, thời gian thực hiện gấp gáp. Trong khi đó vẫn đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc pháp lý trong thực hiện các đầu việc.

Do vậy, việc TP triển khai Hội nghị có sự tham gia đầy đủ lãnh đạo các sở ngành, quận huyện là cơ hội để mỗi cá nhân nhận thức rõ về cơ hội cống hiến đóng góp vào những công việc mang tính định hình cho việc phát triển của Thủ đô trong tương lai.

“Đây là công việc nặng nề, lãnh đạo các quận huyện cần phát huy trách nhiệm, tâm huyết thực hiện những công việc còn lại để bày tỏ những mong muốn, khát vọng trong việc qua việc xuất định hướng, mô hình phát triển cho địa phương mình. Từ đó đơn vị tư vấn sẽ giúp biến những khát vọng phát triển địa phương đi theo đúng hướng, có tính khả thi cao trong thực hiện. Đây có thể coi là cơ hội “vàng” để thể chế hóa các định hướng phát triển, nên sau hội nghị này, lãnh đạo các đơn vị, sở ngành, quận huyện chỉ đạo tổ chức thực hiện các nội dung công việc được phân công trong thời gian ngắn, đánh giá đầy đủ hiện trạng, cung cấp cơ sở dữ liệu để các đơn vị tư vấn, đơn vị lập, điều chỉnh Quy hoạch thể hiện khát vọng phát triển mỗi địa phương bằng những đồ án, mô hình cụ thể” – Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đề nghị.

Về tiến độ, đến thời điểm này công tác Điều chỉnh quy hoạch chung đang bị chậm. Do đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu đơn vị chủ trì là Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cần tập trung cao độ để đảm bảo hoàn thành khớp với tiến độ lập Quy hoạch Thủ đô và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), bảo đảm kịp tiến độ, trình Chính phủ xin ý kiến Quốc hội trước khi xem xét, phê duyệt các Quy hoạch trong thời gian tới.