Về quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô; biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch; quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị (Điều 17, 18, 19, 20):
Nhằm thể chế hoá chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 15-NQ/TW về “Tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống, quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng”, tạo sự linh hoạt, chủ động cho TP Hà Nội, Luật Thủ đô năm 2024 quy định một số chính sách đặc thù, khác với các luật hiện hành, cụ thể như sau:
Về quy hoạch (Điều 17, Điều 18):
- Quy định đối với Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô là phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn minh, văn hiến, hiện đại, phát triển bền vững, môi trường sống trong lành, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của TP Hà Nội (khoản 1 Điều 17).
- Quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cho phép xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều và quy hoạch khác có liên quan để khai thác hiệu quả quỹ đất. Trên bãi sông được phép tồn tại một số khu vực dân cư hiện hữu và được phép xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp theo quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và quy hoạch khác có liên quan; các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng các công trình dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng nhưng không tôn cao bãi sông, bãi nổi để đảm bảo yêu cầu không làm cản trở dòng chảy (khoản 2 Điều 17).
- Quy định thẩm quyền UBND TP phê duyệt dự án đầu tư xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn TP theo Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô và các quy hoạch khác có liên quan để bảo đảm thực hiện quy hoạch tại bãi sông, bãi nổi (khoản 7 Điều 18). Theo đó, đất tại bãi sông, bãi nổi có thể được sử dụng để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp tham quan, giáo dục trải nghiệm, du lịch trải nghiệm để phát huy, khai thác có hiệu quả tiềm năng về quỹ đất, vị trí địa lý, không gian văn hóa ở các khu vực này.
Đây là nội dung mới so với quy định của pháp luật hiện hành, chuyển thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư từ Thủ tướng Chính phủ về cho TP, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương trong việc phát huy tiềm năng, tận dụng quỹ đất nông nghiệp sẵn có nhưng vẫn phù hợp với mục tiêu quản lý và bảo vệ đê điều, phòng, chống thiên tai.
- Phân quyền cho UBND TP Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật và giao HĐND TP ban hành trình tự, thủ tục thực hiện việc điều chỉnh (khoản 3 Điều 17).
Về biện pháp thực hiện quy hoạch (Điều 18, Điều 19, Điều 20):
Biện pháp thực hiện quy hoạch khu nội đô lịch sử, đô thị trung tâm: - Quy định không mở rộng diện tích đất của các bệnh viện hiện có, không mở rộng, xây mới các cơ sở sản xuất công nghiệp, khu, cụm công nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp kể cả việc không đặt địa điểm đào tạo nếu trước đó không có trụ sở đào tạo tại khu vực nội đô lịch sử (Khoản 1 Điều 18).
- Quy định thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan đơn vị trong đô thị trung tâm không phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô. Theo đó, Chính phủ và HĐND TP có thẩm quyền quyết định bố trí quỹ đất phù hợp với quy hoạch, danh mục, biện pháp và lộ trình di dời đối với các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của mình; UBND TP có trách nhiệm bố trí quỹ đất phù hợp với quy hoạch để các cơ quan, đơn vị thực hiện di dời đồng thời có trách nhiệm quản lý, sử dụng quỹ đất sau di dời đúng mục đích được quy định tại Luật dành cho khu nội đô lịch sử và khu vực khác ở đô thị trung tâm (khoản 2, 3, 4, 5 Điều 18).
Biện pháp thực hiện quy hoạch các trục đường giao thông trên địa bàn TP: Khi đầu tư xây dựng mới trục đường bộ, đường sắt đô thị hoặc mở rộng trục đường bộ hiện có theo quy hoạch trên địa bàn TP, cơ quan lập quy hoạch đồng thời xác định vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận đường bộ, đường sắt đô thị để thực hiện cải tạo, chỉnh trang đô thị, tái định cư tại chỗ, phát triển nhà ở, thương mại, dịch vụ theo đúng quy hoạch. Uỷ ban nhân dân TP phải báo cáo HĐND TP quyết định vị trí, ranh giới, diện tích đất trước khi quy hoạch chi tiết được phê duyệt; việc thu hồi đất vùng phụ cận phải được triển khai cùng với việc triển khai dự án phát triển đường bộ, đường sắt đô thị (khoản 6 Điều 18).
Biện pháp thực hiện quy hoạch không gian ngầm: Nghị quyết 06-NQ/TW đã yêu cầu: “Sớm xây khung pháp lý cho phát triển đô thị thông minh, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm đô thị”; Nghị quyết 15-NQ/TW cũng chỉ rõ nhiệm vụ: “Quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị”. Để bảo đảm thực hiện quy hoạch không gian ngầm đô thị trung tâm - thành phố Hà Nội [5], Điều 19 Luật Thủ đô năm 2024 quy định về việc quản lý, khai thác và sử dụng không gian ngầm đô thị của Thủ đô, đặc biệt là không gian ngầm tại khu vực đô thị trung tâm, khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội để phục vụ phát triển giao thông tĩnh, dịch vụ thương mại bổ trợ công cộng, bảo tồn không gian văn hóa và cảnh quan tại khu vực này.
- Quy định các nguyên tắc về quản lý, sử dụng không gian ngầm (khoản 1 Điều 19).
- Quy định không gian ngầm phải được phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng. Luật giao Chính phủ quy định mức giới hạn độ sâu, bảo đảm phù hợp với đặc điểm địa chất và tiềm năng khai thác, sử dụng không gian ngầm và phù hợp với quy hoạch không gian ngầm của từng khu vực. Trong giới hạn độ sâu đó, tổ chức, cá nhân sử dụng đất thuộc địa bàn TP được sử dụng, khai thác lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất xuống. Ngoài giới hạn độ sâu này, người sử dụng đất muốn sử dụng lòng đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt và phải trả tiền sử dụng không gian ngầm, trừ một số trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng không gian ngầm đối với công trình ngầm không nhằm mục đích kinh doanh, công trình thuộc danh mục khuyến khích đầu tư xây dựng hoặc trường hợp khác do Chính phủ quy định (khoản 2 Điều 19).
- Giao HĐND TP ban hành danh mục các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng (khoản 3 Điều 19).
Biện pháp cải tạo, chỉnh trang đô thị: - Trên cơ sở kế thừa một số nội dung của Điều 8, Điều 9 và Điều 10 của Luật Thủ đô năm 2012, Luật Thủ đô năm 2024 quy định một số biện pháp mới, đặc thù nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong cải tạo, chỉnh trang đô thị phù hợp với các quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị đã được phê duyệt, cụ thể:
- Quy định việc cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn TP được triển khai thực hiện theo dự án, bao gồm: dự án tái thiết một khu vực đô thị cụ thể trừ dự án phát triển đô thi theo định hướng giao thông công cộng; dự án chỉnh trang công trình hoặc một nhóm công trình xây dựng tại một khu vực cụ thể; dự án bảo vệ, tu bổ công trình hoặc một nhóm công trình, khu vực có giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, kiến trúc, cảnh quan đô thị; dự án cải tạo, chỉnh trang hỗn hợp gồm các công trình xây dựng mới, công trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và bảo vệ, tu bổ (khoản 2 Điều 20).
- Quy định đầy đủ, chặt chẽ các trường hợp ở khu vực đô thị được và cần thực hiện cải tạo, chỉnh trang đô thị (khoản 3 Điều 20), bao gồm:
+ Khu vực đô thị có các công trình xây dựng có kết cấu, khoảng cách giữa các công trình không bảo đảm quy chuẩn theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy;
+ Khu vực đô thị có các công trình xây dựng thuộc diện nguy hiểm, xuống cấp, có nguy cơ sập đổ thuộc trường hợp buộc phải phá dỡ theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về nhà ở; khu vực có hạ tầng giao thông không bảo đảm yêu cầu về an toàn giao thông theo quy định của pháp luật về giao thông;
+ Khu vực đô thị không bảo đảm đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của đơn vị ở mà không còn đủ quỹ đất để phát triển bổ sung hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội;
+ Khu vực đô thị không phù hợp với quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị; khu vực đô thị có chỉ tiêu dân số vượt quá tiêu chuẩn, quy chuẩn của đơn vị ở cần di dời để giảm mật độ dân cư theo quy hoạch;
+ Khu vực đô thị có các công trình kiến trúc có giá trị, các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cần được bảo vệ, tu bổ nhưng có các công trình xây dựng xung quanh không phù hợp với việc bảo vệ;
+ Khu vực đô thị có trụ sở cơ quan, đơn vị, cơ sở phải di dời theo quy định của pháp luật, có cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ hoặc để xảy ra sự cố gây mất an toàn cho sức khỏe, tính mạng của người dân.
- Quy định cụ thể việc thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị trong các trường hợp: toàn bộ các chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất tại khu vực đô thị thực hiện cải tạo, chỉnh trang đồng thuận góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai theo quy định pháp luật về đất đai; UBND TP xác định cụ thể khu vực cần cải tạo chỉnh trang và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị; trường hợp cấp bách cần cải tạo, chỉnh trang đô thị mà không lựa chọn được nhà đầu tư thì UBND TP thu hồi đất, tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất (khoản 4, 5, 6 Điều 20).
- Quy định việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trong khu chung cư hoặc khu đô thị theo quy định của pháp luật về nhà ở chỉ được thực hiện khi phù hợp với quy hoạch và yêu cầu cải tạo, chinh trang đối với cả khu chung cư (khoản 7 Điều 20).
- Quy định việc cải tạo, chỉnh trang các công trình kiến trúc có giá trị có nhiều chủ sở hữu và trách nhiệm của UBND TP bố trí kinh phí hỗ trợ kiểm định chất lượng công trình và hỗ trợ cá nhân, tổ chức thực hiện cải tạo, chỉnh trang (khoản 8 Điều 20).
- Quy định trách nhiệm của HĐND TP quy định chi tiết việc thực hiện các biện pháp cải tạo, chỉnh trang đô thị, quy định trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ sở hữu trong việc kiểm định chất lượng nhà chung cư, cơ chế hỗ trợ kiểm định, di dời, bồi thường, tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ, khuyến khích thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị (khoản 9 Điều 20).
- Quy định trách nhiệm của UBND TP tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị; ban hành Quy chế quản lý công trình kiến trúc có giá trị; quyết định việc đấu giá quyền thuê biệt thự cũ, nhà thuộc tài sản công không sử dụng cho mục đích để ở để phát triển du lịch, kinh doanh dịch vụ gắn với cam kết giữ gìn, tu bổ, bảo trì công trình (khoản 10 Điều 20).
- Cho phép UBND TP thành lập Quỹ bảo tồn khu vực nội đô lịch sử của Thủ đô. Đây là quỹ tài chính ngoài ngân sách, được ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ; hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Nguồn thu của Quỹ được hình thành từ nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, vốn ủy thác của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn tài chính hợp pháp khác để góp phần huy động nguồn lực cho hoạt động cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa khu vực nội đô lịch sử (khoản 11 Điều 20).
Các quy định này đã tạo cơ sở pháp lý cho việc vận hành cơ chế cộng đồng trách nhiệm giữa chính quyền TP, nhà đầu tư và cộng đồng dân cư, cộng đồng các chủ sở hữu, những người sử dụng đất trong việc huy động và sử dụng các nguồn vốn cho việc cải tạo, chỉnh trang đô thị theo các dự án phù hợp với từng khu vực đô thị, từng trường hợp cụ thể đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước, xã hội, nhà đầu tư và cá nhân, tổ chức có quyền, lợi ích và nghĩa vụ liên quan.
Xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững
Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống. Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch.
Cụ thể, cho phép xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều và quy hoạch khác có liên quan để khai thác hiệu quả quỹ đất. Trên bãi sông được phép tồn tại một số khu vực dân cư hiện hữu và được phép xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp theo quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và quy hoạch khác có liên quan; các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng các công trình dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng nhưng không tôn cao bãi sông, bãi nổi để bảo đảm yêu cầu không làm cản trở dòng chảy.
Hà Nội được quyết định điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trường trong quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của TP đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện. Về phía HĐND TP Hà Nội được giao trọng trách quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trường, điều chỉnh cục bộ quy hoạch.
Riêng đối với khu vực đã có quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng vùng huyện được phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị thì không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện mà căn cứ vào quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng vùng huyện và chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ từ quy hoạch chung Thủ đô và các chỉ tiêu sử dụng đất của địa phương để lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện.
Các chuyên gia cho rằng, đây là cơ hội “vàng” để quy hoạch đô thị ven sông Hồng đột phá. Tuy nhiên, việc quy hoạch và lộ trình quy hoạch Thủ đô phải được thực hiện và kiểm soát chặt chẽ. Theo đó, phải xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, môi trường sống trong lành, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của TP.