Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội xuất khẩu qua kênh siêu thị tại nước ngoài

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, các DN sản xuất, kinh doanh hàng Việt đã đẩy mạnh hoạt động kết nối, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại.

Đặc biệt, hoạt động này còn góp phần đưa hàng Việt từng bước vươn ra thị trường thế giới thông qua hệ thống siêu thị trên toàn cầu của các tập đoàn lớn.

Vừa bán được hàng, vừa quảng bá

Ngày 12/11, Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao đã khai mạc tại Moscow (Liên bang Nga), do Bộ Công Thương, UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Ông Nguyễn Gia Phương - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội cho biết: 170 DN Việt Nam tham gia Hội chợ đã mang tới người tiêu dùng (NTD) Nga 12.000 mặt hàng như: Hàng tiêu dùng và hàng công nghiệp nhẹ; Đồ gỗ, nội thất và trang trí; Hàng nông - thủy sản; Thủ công mỹ nghệ, quà tặng… được thị trường Nga quan tâm. Quan trọng hơn cả, thông qua hội chợ này, các DN Việt Nam sẽ hiểu rõ thị hiếu, nhu cầu của NTD Nga, kết nối với các đối tác bán lẻ ở Nga, qua đó tiêu thụ hàng Việt tại thị trường này.
Hàng Việt bày bán tại siêu thị Big C. 	Ảnh: Hoài Nam
Hàng Việt bày bán tại siêu thị Big C. Ảnh: Hoài Nam
Đây không phải là lần đầu DN Việt Nam thông qua hội chợ lớn để đưa hàng Việt tới thị trường quốc tế. Trước đó, từ 29/10 - 3/11, Bộ Công Thương thông qua hệ thống siêu thị Lotte tại Hàn Quốc đã đưa hơn 200 mặt hàng may mặc, nông sản tươi và thực phẩm chế biến, đồ gia dụng Việt Nam giới thiệu tới NTD xứ sở Kim chi. Ông Kim Tae Ho - Giám đốc chiến lược sản phẩm Lotte Mart cho biết: Đây là lần thứ hai, triển lãm hàng Việt Nam diễn ra tại hệ thống Lotte Mart ở Hàn Quốc, qua đó hiện có 19 mặt hàng Việt như tôm đông lạnh, găng tay cao su, hàng dệt may, thanh long... bày bán tại chuỗi siêu thị này. NTD Hàn Quốc đã đón nhận khá tích cực các sản phẩm Việt.

Theo ông Nguyễn Thành Nhân - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, sau khi ký kết hợp tác liên doanh với Tập đoàn NTUC FairPrice (Singapore) đã khai thác hệ thống siêu thị Co.opXtra và Co.opXtraPlus để XK hàng Việt sang Singapore và Nhật Bản - 2 nước tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Từ đầu năm đến nay, doanh số XK hàng Việt sang Singapore của Saigon Co.op tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Thông qua hình thức này, các siêu thị Big C, Metro, Lotte Mart Việt Nam… cũng đã đưa hàng Việt ra thị trường quốc tế. Theo thông tin của hệ thống siêu thị Big C, hàng năm, Big C XK khoảng 1.000 container hàng Việt Nam sang hơn 20 quốc gia châu Á, châu Âu, châu Mỹ - nơi Tập đoàn Casino (công ty mẹ của hệ thống siêu thị Big C) đặt chi nhánh. Tập đoàn bán lẻ AEON (Nhật Bản) cũng đã liên kết với các nhà cung cấp Việt Nam để đưa hàng sang Nhật thông qua hệ thống bán lẻ AEON.

Theo Bộ Công Thương, hiện có hàng trăm mặt hàng Việt đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới thông qua hệ thống siêu thị nước ngoài. Không những mang lại hàng trăm triệu USD kim ngạch XK, hàng Việt còn được quảng bá tốt và tiếp cận nhanh chóng với NTD tại các thị trường mới. Đáng chú ý, nhiều nhà phân phối dành sự quan tâm tới các mặt hàng đặc sản Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết: Trong 3 năm qua, các chương trình quảng bá hàng Việt tại thị trường quốc tế đã được Bộ đẩy mạnh triển khai. Từ nay đến cuối năm 2015, Bộ Công Thương sẽ tổ chức "Tuần lễ hàng Việt Nam" tại hệ thống siêu thị Selgros (Đức). Dự kiến tháng 6/2016, chương trình sẽ diễn ra tại hệ thống siêu thị Big C Casino (Pháp).

Chú trọng chất lượng, mẫu mã sản phẩm

Tiếp cận và có mặt tại các kênh siêu thị lớn của các tập đoàn nước ngoài là thành công bước đầu của hàng Việt Nam. Tuy nhiên, để trụ vững tại các hệ thống siêu thị này đòi hỏi DN phải đảm bảo chất lượng, đa dạng mẫu mã. Thực tế cho thấy, sản phẩm Việt Nam mặc dù đã có thương hiệu lâu năm nhưng trong quá trình tiêu thụ vẫn còn nhiều hạn chế trong việc quảng bá, đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, một số sản phẩm chưa đáp ứng các yêu cầu về chứng nhận chất lượng quốc tế như bảo đảm về hàm lượng chất bảo quản, hương vị tự nhiên, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa…

Tổng Giám đốc Lotte Mart Việt Nam Hong Won Sik cho biết: Bảo đảm chất lượng hàng hóa là yếu tố quan trọng nhất để các sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, sau đó mới là giá cả. Đồng thời, DN cần lưu ý các sản phẩm tiêu dùng phải tuân theo Luật Kiểm tra an toàn và quản lý chất lượng của Hàn Quốc. “Riêng sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm, có Luật ATVSTP điều chỉnh, hàng nhập khẩu phải đăng ký với Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Hàn Quốc (KFDA)…” - ông Hong Won Sik nêu ví dụ. Trong khi đó, ông Hồ Quốc Nguyên - Giám đốc đối ngoại hệ thống siêu thị Big C chia sẻ: Để đưa hàng Việt tới NTD Pháp nói riêng và EU nói chung, các nhà cung cấp Việt Nam cần chú trọng đến chất lượng hàng hóa, bởi đây là yếu tố quan trọng nhất để có chỗ đứng trên thị trường, sau đó mới là giá cả. Riêng đối với các mặt hàng như lương thực, thực phẩm thì yếu tố VSATTP phải rất được coi trọng. Đồng thời, DN cần đầu tư nhiều hơn cho bao bì, mẫu mã, nhãn mác và dịch vụ sau bán hàng.