Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có Luật, giá cả có “hạ hỏa”?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau nhiều kỳ họp bàn và chỉnh sửa, Dự thảo Luật Giá vừa được Chính phủ đưa ra lấy ý kiến trong phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, có hai vấn đề còn ý kiến khác nhau: Quỹ Bình ổn giá và thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp bình ổn.
 

Quỹ Bình ổn giá dễ bị lạm dụng

Theo dự thảo luật, nguyên tắc xây dựng Quỹ Bình ổn giá hàng hóa phải dựa trên nguồn ngoài ngân sách, nhưng quy định trong luật vẫn thể hiện Quỹ này hình thành từ nguồn dự phòng ngân sách. Chính điểm "bất ổn" này mà Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ thừa nhận, tác dụng của việc bình ổn giá thực hiện thời gian qua rất thấp, chỉ tác động đến phần ngọn và chỉ có lợi cho các doanh nghiệp (DN) tham gia bình ổn.

Nhìn lại thời gian qua, việc hình thành các Quỹ Bình ổn đang có vấn đề. Quỹ Bình ổn giá hiện được trích lập và để tại các DN, được hạch toán riêng không qua ngân sách Nhà nước. Ví dụ, với Quỹ Bán hàng bình ổn giá đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, các nhà phân phối, siêu thị hưởng lợi là chính nhờ vay vốn lãi suất thấp, chứ không phải đại đa số người tiêu dùng. Hay như Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, lấy tiền của người tiêu dùng để hình thành quỹ, nhưng sử dụng thế nào lại do một hội đồng quyết định. Trên thực tế, đây là cơ chế xin - cho. Nhiều DN nhà nước thấy việc sử dụng các quỹ tốt hơn là việc phải suy nghĩ tìm biện pháp giải quyết, tìm hướng kinh doanh cạnh tranh trên thị trường nên đua nhau xin thành lập quỹ. Vì vậy, đã đến lúc Việt Nam cần đánh giá lại tính hiệu quả của các quỹ này và tìm phương thức phù hợp hơn.

Không nên biến thẩm định giá thành định giá

Theo dự thảo, 13 loại hàng hóa, dịch vụ nằm trong diện bình ổn giá, gồm xăng dầu thành phẩm, xi măng, thép xây dựng, đạm urê, thuốc bảo vệ thực vật, muối hạt trắng, sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, đường, thóc lúa gạo... Ngoài ra, một số nhóm mặt hàng, dịch vụ như nhà ở xã hội, nhà công vụ, điện, nước sinh hoạt... cũng nằm trong danh mục Nhà nước ấn định giá. Căn cứ vào danh mục này, cơ quan có thẩm quyền lựa chọn và quyết định từng loại hàng hóa, dịch vụ để thực hiện biện pháp bình ổn phù hợp với từng thời kỳ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc nghiên cứu giải pháp bình ổn thị trường là rất cần thiết, song, đã đến lúc cần xem xét lại phương pháp thực hiện bình ổn như hiện nay. Luật sư Vũ Xuân Tiền, Giám đốc Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam cho rằng, không nên biến thẩm định giá thành định giá, bởi hai biện pháp này có tính chất và mức độ quản lý khác nhau. "Nhiệm vụ của Nhà nước là làm chính sách. Song, trong nội dung dự thảo luật chủ yếu là các biện pháp quản lý giá trực tiếp, can thiệp vào quyền tự chủ của DN trong kinh doanh như: phải niêm yết giá, phải theo căn cứ định giá, quy chế tính giá của Nhà nước, phải kê khai giá, thậm chí quản lý cả yếu tố đầu vào trong kinh doanh, trình cơ quan quản lý về phương án giá hàng hóa, dịch vụ,...". Ngoài ra, ông Tiền cũng góp ý: Dự thảo có quy định DN phải kê khai giá, niêm yết giá, song không quy định phải bán đúng giá niêm yết, như vậy DN hoàn toàn có thể niêm yết giá một đằng, bán giá một nẻo.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu lưu ý Ban soạn thảo cần rà soát các cam kết cụ thể của Việt Nam với các tổ chức nước ngoài, trong đó có Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bởi khi gia nhập WTO, Việt Nam đã có các bước cam kết chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường.

Giá cả trong thời gian qua có nhiều biến động, nhưng chủ yếu do yếu kém về quản lý. Đó là ý kiến nhận xét của nhiều chuyên gia. Để giá cả không lặp lại tình trạng "bất kham", việc ban hành Luật Giá là cần thiết. Song, vấn đề đặt ra với những nhà làm luật là hình thành và áp dụng chính sách giá như thế nào để đảm bảo công khai, minh bạch và đem lại hiệu quả thiết thực.

Giá cả biến động là vì phải chịu ba "ức chế". Một là do tình trạng đầu cơ thái quá. Thứ hai, do sự can thiệp không phù hợp của Nhà nước trong một số thời điểm. Thứ ba, do hệ thống phân phối bị "tắc nghẽn" như giao thông. Luật Giá được cả xã hội trông đợi với hy vọng giá cả công khai, chống độc quyền, chống "làm giá" điều đó đòi hỏi những quy định của Luật giá phải minh bạch, phù hợp với kinh tế thị trường, với thông lệ quốc tế được Việt Nam chấp thuận, đặc biệt phải kiên quyết chống những quy định mang tính chất bao cấp, xin cho...

TS. Nguyễn Ngọc Tuấn Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam