Nếu được thông qua, dự kiến, việc thu phí sẽ được thực hiện theo lộ trình từ 1/3/2013 đến năm 2015 với mỗi năm tăng 1.000 đồng/giao dịch.
Việc các ngân hàng chỉ định thu phí ATM nội mạng liệu có phù hợp với thực tế? Trong ảnh: Khách hàng rút tiền tại ATM của chi nhánh Ngân hàng Quốc tế.Ảnh: Trần Việt
Phí rút tiền nội mạng cao nhất là 1.000 đồng/lần
Theo Dự thảo Thông tư, phí phát hành thẻ sẽ ở mức từ 0 đồng - 100.000 đồng/thẻ; phí thường niên là từ 0 - 60.000đồng/thẻ/năm. Truy vấn thông tin về tài khoản (không in chứng từ) tại ATM, giao dịch nội mạng không mất phí nhưng giao dịch ngoại mạng mất phí là 0 đồng - 500 đồng/giao dịch. Về in sao kê tài khoản hoặc in chứng từ vấn tin tài khoản tại ATM, giao dịch nội mạng mất phí 100 đồng - 500 đồng/giao dịch; giao dịch ngoại mạng mất phí 300 đồng - 800 đồng/giao dịch.
Đáng chú ý, từ tháng 3/2013, rút tiền mặt nội mạng ATM cũng sẽ phải mất phí và mức phí sẽ tăng 1.000 đồng mỗi năm, đến năm 2015. Cụ thể, từ 1/3/2013 đến 31/12/2013, rút tiền mặt nội mạng ATM, mức phí sẽ là 0 đồng- 1.000 đồng/giao dịch; từ 1/1/2014 đến 31/12/2014, mức phí là 0 đồng- 2.000 đồng/giao dịch và từ 1/1/2015 trở đi, mức phí là từ 0 đồng - 3.000 đồng/giao dịch. Rút tiền ngoại mạng ATM, mức phí tối đa là 3.000 đồng/giao dịch. Phí chuyển khoản tối đa là 15.000 đồng/giao dịch.
Đây là mức khung mà đơn vị soạn thảo xây dựng theo hướng quy định các mức phí tối đa mà ngân hàng phát hành thẻ được thu đối với chủ thẻ. Với quy định khung phí này, các ngân hàng phát hành thẻ được quyền chủ động áp dụng mức phí phù hợp với chiến lược và đặc thù kinh doanh của đơn vị mình.
Cũng theo Dự thảo Thông tư, tổ chức phát hành thẻ phải niêm yết công khai tối thiểu 15 ngày trước khi áp dụng biểu phí dịch vụ thẻ (ban hành mới hoặc điều chỉnh, bổ sung), tổ chức phát hành thẻ phải gửi biểu phí dịch vụ thẻ của đơn vị mình cho NHNN để báo cáo và giám sát.
Rõ ràng quyền lợi và nghĩa vụ
NHNN cho biết, việc thu phí này nhằm hài hòa lợi ích giữa khách hàng và ngân hàng, đảm bảo mức phí từng bước phù hợp với khách hàng và giúp hỗ trợ các ngân hàng một phần chi phí đầu tư, vận hành hệ thống cung ứng dịch vụ thẻ, có động lực để tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển dịch vụ thanh toán thẻ tại Việt Nam.
Nhiều khách hàng cho rằng, các ngân hàng cần tính toán kỹ trước khi thu phí ATM.Ảnh: Nguyên Hà
Theo TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, chủ trương thu phí ATM là hoàn toàn phù hợp trong kinh tế thị trường. "Dự thảo này cũng không đánh đồng các mức phí cũng như cho ngân hàng thương mại tự quyết mức phí trong quy định của NHNN, điều này là phù hợp. Mỗi ngân hàng đầu tư một mức khác nhau cho dịch vụ thẻ nên không thể có mức thu cố định giống nhau được"- ông Kiêm nói.
Tuy nhiên, ông Kiêm cũng cho rằng, trong bối cảnh đời sống người dân đang khó khăn và việc thanh toán không dùng tiền mặt chưa phát triển như hiện nay thì việc thu phí trong thời điểm này là chưa phù hợp. Bởi vậy, các ngân hàng thương mại phải tự sắp xếp, cân đối và NHNN phải có chỉ đạo điều hành để vừa đảm bảo vừa nâng cao chất lượng dịch vụ của ngân hàng thương mại, vừa phù hợp với thực tế đang diễn ra.
Đồng ý với việc thu phí nhưng nhiều khách hàng cũng cho rằng, các ngân hàng thương mại phải tính toán thế nào cho hợp lý, tránh việc tận thu. "Thời gian trước, tôi thấy nhiều ngân hàng thu trên 5.000 đồng cho một lần giao dịch, mức đó là quá cao. Không biết có phải do năm nay, tín dụng tăng khó nên ngân hàng "tận thu" dịch vụ?" - anh Hoàng Nguyên (Đống Đa - Hà Nội) bức xúc.
Cũng theo ý kiến của nhiều khách hàng, khi họ phải trả phí cho ngân hàng thì ngân hàng cần phải có trách nhiệm cam kết cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.
"Đây là vấn đề cần quan tâm và rút kinh nghiệm. Bởi vậy, lần này, chúng ta phải làm chặt chẽ, quy định cụ thể quyền lợi, trách nhiệm của chủ thẻ, ngân hàng đến đâu. Khách hàng trả phí, nếu ngân hàng phục vụ không tốt thì phải có trách nhiệm như thế nào" - ông Kiêm nói.