Như hai thế giới tách biệt
Ngọc Trâm (lớp 12 trường THPT NTMK) luôn được người yêu đưa đón đi học hằng ngày. Trong khi bạn bè thầm ngưỡng mộ và ganh tị thì Trâm lại hơi buồn và tủi thân. Hỏi ra thì được biết, hồi mới quen nhau, anh chàng còn hay hỏi han Trâm này nọ. Dần dà, việc học, các mối quan hệ, những niềm vui nỗi buồn của Trâm ra sao, thế nào, anh chàng không hề hỏi. Trâm kể thì lơ đãng, ậm ừ cho qua.
“Nếu cậu ấy không còn tình cảm với mình thì đã nói lời chia tay lâu rồi chứ chẳng cần phải đưa đón mình đi học mỗi ngày như vậy đâu. Nhưng có lẽ đó là tính cách của cậu ấy”, Trâm bày tỏ
Ngoài ra, Trâm và “một nửa” có nhiều điều rất đối lập nhau. Anh chàng này không học giỏi như Trâm, thường xuyên bị mời phụ huynh, và có những suy nghĩ, tư tưởng hời hợt. “Có thể vì vậy mà cả hai hạn chế nói chuyện, vì sợ rằng thế nào cũng cãi nhau. Thà đừng biết gì còn hơn biết quá nhiều”, Trâm nói.
“Mất” nhiều hơn “được”
Hễ nhắc đến Thanh Thúy (lớp 11 trường THPT Đào Duy Từ), bạn bè của cô nàng đều ngán ngẩm thở dài: “Không biết cô nàng vướng vào chuyện tình cảm thì được những gì, nhưng trong thời gian cô ấy bắt đầu biết rung động, bọn mình thấy cô ấy đánh mất nhiều thứ hơn”.
Vân Anh (bạn Thanh Thúy) chia sẻ: “Thời gian đầu còn vui vẻ lắm. Về sau, hễ cãi nhau với người yêu một tí là cô nàng khóc, bị người yêu giận thì buồn cả ngày, chẳng còn thiết tha đi chơi cùng bạn bè, chẳng còn chú tâm vào việc học nữa.
Cô nàng quá bi lụy trong tình cảm, lại còn bị bạn trai cấm đoán những thứ vô lý, nhưng Thúy cho rằng “người mình yêu là người có quyền làm cho mình đau” hay sao ấy, nên cứ chịu đựng. Lúc đầu bọn này còn giúp đỡ, về sau để cô nàng tự quyết định, vì Thúy có nghe ai đâu!”.
“Lối thoát” cho nỗi buồn
Trong ba câu chuyện trên, những nỗi buồn của họ không giống nhau, nhưng họ gặp nhau tại một điểm: “Có tình yêu, nhưng không có hạnh phúc”. Nhiều bạn thường chọn 2 cách: Hoặc cố gắng cải thiện, thay đổi, để mọi thứ phát triển theo hướng tốt đẹp và tích cực hơn; hoặc chấp nhận từ bỏ một tình yêu chắp vá này, để bắt đầu lại theo một cách khác, tất nhiên, khi chấp nhận từ bỏ là phải chịu đau khổ và nhiều sự mất mát (bao gồm thời gian, kỉ niệm và những niềm vui nho nhỏ còn sót lại trong vô vàn nỗi buồn trong tim họ).
Nếu bạn muốn cải thiện, đó là quyền của bạn. Nhưng sẽ ra sao nếu càng cải thiện, mọi thứ càng bế tắc? Bạn có thấy mâu thuẫn không, khi đáng lẽ tình yêu mà bạn có phải mang lại cho bạn nhiều thuận lợi và niềm vui, vậy mà nó lại đong đầy nỗi buồn, thậm chí chẳng có ý nghĩa gì trong cuộc sống của bạn. Vậy bạn giữ nó làm gì?
Nếu bạn cảm thấy tình yêu làm bạn đau khổ mà bạn còn chịu được, bạn cho rằng bạn chấp nhận được, thì trong trường hợp này, bạn hạnh phúc vì “được-đau-khổ”. Nghe quá mâu thuẫn, nhưng thực chất, chính bạn đang chọn con đường ấy đấy!