Kinhtedothi - Hiện nay đang có tình trạng nhiều chính sách khi ban hành không phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Để không còn xảy ra việc ban hành chính sách kiểu "trên trời", thì một trong những giải pháp hữu hiệu đó là tham vấn các ý kiến, đề xuất, phản biện của các tổ chức, đoàn thể xã hội.
Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Bích San - Phó Tổng Thư ký Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) xung quanh vấn đề này.
Hiện nay đang có tình trạng nhiều văn bản pháp luật, chính sách ra đời nhưng chưa phù hợp với thực tế cuộc sống. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
- Một thực tế không thể phủ nhận là hệ thống văn bản pháp luật của chúng ta ban hành đã ngày càng được chuẩn hóa. Tuy nhiên, việc các văn bản pháp luật, chính sách ban hành chưa đi vào cuộc sống, không phù hợp với thực tế chắc chắn là có nguyên nhân từ việc các tổ chức xã hội chưa được tham gia đầy đủ vào quá trình soạn thảo. Theo tôi được biết, từ năm 2006 - 2011, đã có khoảng 16.000 văn bản pháp luật khác nhau được ban hành. Có những chính sách phù hợp với cuộc sống nhưng cũng có không ít những chính sách bất khả thi. Tôi cho rằng, nếu có sự tham gia của các tổ chức xã hội cùng đóng góp, phản biện thì khi ban hành chính sách sẽ phù hợp, sát thực tế cuộc sống rất nhiều. Thời gian vừa qua, các tổ chức xã hội đã rất quan tâm và cũng rất mong muốn được tham gia vào việc xây dựng các chính sách. Ví dụ, VUSTA có chức năng tiến hành các hoạt động tư vấn, phản biện, cho ý kiến đánh giá các chính sách. Nhưng việc này sẽ không có ý nghĩa nếu không tiến hành hoạt động vận động chính sách, tức là hoạt động đưa các thông tin cần thiết về chính sách tới những người có trách nhiệm. Có thông tin rằng, trước ngày họp Quốc hội mỗi đại biểu nhận được hàng ngàn trang tài liệu từ các nơi gửi tới. Vậy làm thế nào để tiếp cận đầy đủ các thông tin rõ ràng? Nếu có quá trình vận động chính sách của các tổ chức xã hội tham gia thì những điều tưởng chừng phức tạp đó có thể diễn giải cụ thể hơn, trực tiếp hơn đưa các nhà soạn thảo chính sách có thể tiếp cận dễ dàng hơn. Nhưng làm thế nào để đưa ý kiến đến các nhà lập chính sách thì cần phải thực hiện một cách chuyên nghiệp và bài bản.
Có ý kiến cho rằng, nhiều đề xuất được đưa ra nhưng lại có rất ít hoặc không có sự phản hồi? Theo ông, cần có chế tài như thế nào để việc vận động chính sách được hiệu quả?
- Quá trình vận động chính sách là quá trình gồm 2 chiều: Từ các tổ chức xã hội và từ các nhà lập chính sách. Cần phải có hành lang rõ ràng, khi nhận được thông tin bắt buộc phải có sự phản hồi đã tiếp nhận thông tin như thế nào dù ý kiến đó được chấp thuận hay không. Đã đến lúc phải xây dựng Luật Vận động chính sách, quy định hành lang giới hạn nhất định, để vận động chính sách trở thành phản ánh lợi ích của các nhóm lợi ích khác nhau chứ không phải của các nhóm cộng đồng lớn. Chẳng hạn như vấn đề nhà ở xã hội rất nhanh chóng được thông qua gói hỗ trợ 3.000 tỷ đồng, trong khi vấn đề nâng giá gạo cho người nông dân rất lâu mới có thể làm được. Chuyện nào quan trọng hơn rất khó nói nhưng nếu vận động bài bản cả hai vấn đề sẽ được đưa lên và thông qua nhanh chóng.
Vậy theo ông, cách vận động bài bản cần các yếu tố nào?
- Đây là quá trình nghiêm túc từ cả hai bên. Về phía các tổ chức xã hội thì cần thu thập thông tin một cách chuyên nghiệp. Mỗi người phản ánh những ý kiến khác nhau, quan trọng nhất là bằng chứng đưa ra phải có cơ sở khoa học rõ ràng. Nếu bằng chứng đưa ra không vững, lập luận đưa ra không đúng, đề xuất cũng bị "đổ". Các tổ chức xã hội chỉ cung cấp thông tin, đề xuất, còn quyết định như thế nào là việc của các nhà hoạch định chính sách và họ chịu trách nhiệm về điều đó.
Xin cảm ơn ông!