Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, triển khai kế hoạch sắp xếp lại các DNNN; cần xác định trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, tập thể trong việc thực hiện kế hoạch cổ phần hóa (CPH), thoái vốn DNNN.
2 tháng, còn 60% số vốn phải thoái
Báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cho thấy, từ đầu năm đến ngày 10/11, cả nước đã có 175 DN được sắp xếp. Trong đó, 159 DN được phê duyệt phương án CPH; 16 DN thực hiện sắp xếp theo các hình thức khác gồm: 4 DN thực hiện bán, 5 DN sáp nhập, 2 DN giải thể, 5 DN chuyển thành công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Tính chung giai đoạn 2011 - 2015, cả nước đã sắp xếp được 471 DN, trong đó CPH được 408 DN, bằng 79,37% tổng số DN phải CPH theo kế hoạch giai đoạn 2011 - 2015.
Các địa phương, đơn vị chỉ đạo triển khai quyết liệt, kết quả đạt cao so với kế hoạch là TP Hà Nội (CPH được 32 DN), Tổng Công ty Đường sắt, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Hải Phòng, Nghệ An… Bên cạnh đó, một số Bộ, ngành, địa phương đạt hiệu quả công tác CPH vẫn chưa cao là Bộ Công Thương, Bộ TN&MT, Bộ TT&TT, Nam Định, Tiền Giang, Bình Dương, Bình Phước, Đăk Lắk, Gia Lai, TP Hồ Chí Minh...
Trong 10 tháng, Thường trực Ban chỉ đạo và đại diện Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính đã trực tiếp làm việc với 8 Bộ, 35 địa phương và 11 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước về việc thực hiện phương án sắp xếp đổi mới DNNN đã được phê duyệt, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đồng thời đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng phương án sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp.
Về thoái vốn Nhà nước, 10 tháng, cả nước thoái được 9.152,2 tỷ đồng, thu về 13.767,5 tỷ đồng, bằng 1,5 lần giá trị sổ sách. Đa số các DN thoái vốn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng… Lũy kế từ năm 2012 đến 28/10/2015, cả nước thoái được 16.450 tỷ đồng, thu về 22.870 tỷ đồng. Ngoài 2 nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu DNNN là CPH, sắp xếp DN và thoái vốn Nhà nước, việc bán đấu giá cổ phần lần đầu đạt kết quả khá.
Dù có nhiều cố gắng, song tiến độ tái cơ cấu DNNN vẫn chậm. Số vốn các tập đoàn, tổng công ty phải thoái khỏi các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng… từ nay đến cuối năm vẫn còn khoảng 60% tổng số vốn phải thoái. Nguyên nhân của tình trạng này là do một số Bộ, ngành, địa phương chưa sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện phương án sắp xếp, CPH, thoái vốn đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, những biến động của thị trường bất động sản, tài chính trong nước và thế giới cũng ảnh hưởng nhiều đến việc bán vốn Nhà nước. Nhiều DN có quy mô lớn, tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng, việc xử lý công nợ, phương án sử dụng đất trong quá trình xác định giá trị DN để CPH… cần nhiều thời gian chuẩn bị và xử lý.
Không hoàn thành sẽ xem xét trách nhiệm cá nhân
Lãnh đạo Bộ TN&MT thừa nhận chưa CPH được công ty nào. Lý do Bộ này đưa ra là vì các DN từ nhiều đơn vị sự nghiệp chuyển sang nên trong quá trình sắp xếp, xem xét phương án sử dụng đất còn rất khó khăn. Bên cạnh đó, đất đai nằm rải rác trên phạm vi cả nước liên quan đến việc thống nhất phương án sử dụng đất với các địa phương, đặc biệt đất đai của các DN trực thuộc Bộ là đơn vị sự nghiệp nên các DN cho cán bộ sử dụng chung. “Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành trong năm nay” – đại diện Bộ TN&MT chia sẻ.
Để đẩy nhanh con tàu CPH, thời gian gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu DNNN, DN có vốn Nhà nước phải công bố thông tin công khai, minh bạch như công ty đại chúng, công ty niêm yết, thậm chí có nhiều tiêu chí còn công khai hơn, minh bạch hơn. Và toàn bộ thông tin này đều được cơ quan quản lý Nhà nước giám sát, kiểm tra, đánh giá lại xem có minh bạch không.
Chủ trì Hội nghị giao ban, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thừa nhận, việc CPH DNNN chỉ được làm mạnh trong 2 năm 2014, 2015. Tính chung cả giai đoạn 2011 - 2015, cả nước CPH được 459 DN, đạt 90% kế hoạch đề ra. Riêng 2 năm 2014 - 2015 có 353 DN được CPH. Vì thế, Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách về sắp xếp đổi mới DNNN theo kế hoạch. “Tôi yêu cầu các Bộ, ngành địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp để hoàn thành kế hoạch, trong đó tập trung vào các DN thuộc diện khó hoàn thành CPH, đặc biệt là các đơn vị thực hiện CPH chậm như Bộ Công Thương, TN&MT… Xác định nguyên nhân và trách nhiệm cá nhân, tập thể không hoàn thành kế hoạch CPH” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Các thành viên Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cho rằng, nếu các Bộ, ngành, địa phương, DN sát sao, quyết liệt, dự kiến năm 2015 sẽ CPH được khoảng 210 DN.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh: Cổ phần hóa DNNN là cả một quá trình thay đổi nhận thức Thời gian qua, một số địa phương và Bộ đã thực hiện CPH các dịch vụ công, các đơn vị sự nghiệp như nước sạch, VSMT, bệnh viện... Thực tế, tại nhiều địa phương, sau CPH, các DN này đã hoạt động tốt hơn. Để làm được điều này, chúng ta đã có cả một quá trình thay đổi về nhận thức. Thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần rà soát, phân loại đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đủ điều kiện chuyển thành công ty cổ phần trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. |
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).
|