5 vấn đề gây tranh cãi của văn bản Bộ
Văn bản 4974 của Bộ có 5 vấn đề: Thứ nhất, liên quan đến việc đối chiếu, xác nhận các khoản công nợ, phải thu phải trả chưa được đối chiếu tại thời điểm cổ phần hóa. Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các việc ký hợp đồng cho thuê nhà, đất tại số 4 Thụy Khuê (Hà Nội); Góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất và đồng ý cho đối tác (Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và du lịch Sài Gòn) quản lý và điều hành hoạt động cho thuê văn phòng hoặc thuê các công ty tổ chức chuyên nghiệp quản lý điều hành tại số 6 Thái Văn Lung (TP Hồ Chí Minh).
Bộ VHTT&DL và các nghệ sĩ đã liên tiếp tổ chức các cuộc họp báo đột xuất liên quan đến vấn đề cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. |
Thứ hai, xử lý dứt điểm những vướng mắc về đất đai, hoàn thiện phương án sử dụng đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tiến hành thanh lý tất cả các hợp đồng cho thuê nhà, đất trái thẩm quyền.
Thứ ba, phối hợp với Công ty CP đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam lập hồ sơ xác định giá trị DN tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần trình lãnh đạo Bộ xem xét, phê duyệt.
Thứ tư, yêu cầu người đại diện phần vốn của nhà nước tại Công ty CP đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam có ý kiến với Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc Công ty cổ phần kiện toàn ngay bộ máy lãnh đạo của công ty; sắp xếp lại các phòng ban, chi nhánh cho phù hợp, xây dựng các quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế làm việc...
Thành lập Hội đồng tư vấn nghệ thuật. Sớm sắp xếp việc làm, ổn định đời sống CBCNV trong toàn công ty. Yêu cầu nhà đầu tư chiến lược (Tổng Công ty vận tải thủy - Vivaso) bổ sung thêm nội dung về mục tiêu, kế hoạch, giải pháp về đổi mới công nghệ, phát triển thị trường; giải pháp sử dụng nguồn nhân lực nhất là đối với các nhà đạo diễn, quay phim, biên kịch… gạo cội trong làng điện ảnh trong Phương án hỗ trợ sản xuất kinh doanh để Hội đồng quản trị, Ban giám đốc xem xét, phê duyệt, bổ sung vào kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong thời gian tới.
Thứ năm, là rà soát các vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội, đề xuất việc thu hồi tiền lương đã thanh toán không đúng quy định và chi trả tiền lương còn thiếu cho người lao động trong công ty theo kết luận của Thanh tra Chính phủ…
Bộ tìm cách kéo dài thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ? Vì bức xúc với văn bản này, sáng 14/11, các cán bộ, nhân viên thuộc Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam qua các thời kỳ cũng tổ chức họp báo để chia sẻ một số bất cập, bày tỏ sự bức xúc khi nhận được văn bản 4974 của Bộ VHTT&DL.
Tại cuộc họp, NSND Nguyễn Thanh Vân - Phó Giám đốc trước khi Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam cổ phần hóa cho biết: “Tôi cho rằng văn bản số 4974 là một văn bản bất khả thi. Trong vòng 3 ngày kể từ khi nhận được văn bản đến khi báo cáo chỉ 3 ngày thì không ai có thể thực hiện được. Tôi cảm giác văn bản này của Bộ như một sự tìm cách kéo dài để thực hiện kết luận Thanh tra”. Theo tìm hiểu của phóng viên, văn bản của Bộ được gửi đi vào ngày 29/10, hạn nộp báo cáo giải trình trước ngày 15/11, nhưng đến ngày 13/11 Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam mới nhận được văn bản nói trên. Do đó, phản ứng của đại diện Công ty là có cơ sở. Nắm được vấn đề trên, trong cuộc họp chiều 14/11, đại diện Bộ VHTT&DL lý giải: “Có thể là do quá trình thông tin liên lạc có vấn đề. Do vậy, Bộ đã có văn bản số 5149 gửi Công ty đồng ý gia hạn thời điểm báo cáo đến ngày 15/12 để những người liên quan đến chỉ đạo có thể chuẩn bị tốt”. Bên cạnh đó, NSND Nguyễn Thanh Vân chỉ ra mục 4 trong văn bản 4974 có nội dung vắn tắt là: “Yêu cầu nhà đầu tư chiến lược bổ sung thêm mục tiêu, kế hoạch, giải pháp về đổi mới công nghệ, phát triển thị trường… để Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc xem xét, phê duyệt, bổ sung vào kế hoạch hoạt động sản xuất của công ty trong thời gian tới” là trái với kết luận của thanh tra Chính phủ. Vì theo kết luật thì nhà đầu tư chiến lược phải rút vốn chứ không phải lên kế hoạch cho tương lai của công ty. Để giải đáp các thắc mắc của các nghệ sĩ và truyền thông, chiều 14/11, Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL Nguyễn Thái Bình và Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính (Bộ VHTT&DL) Trần Hoàng đã chủ trì cuộc họp báo đột xuất giải thích: "Bộ chỉ yêu cầu nhà đầu tư chiến lược có ý kiến với Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc Công ty CP thực hiện triển khai các công việc như trên. Nhà đầu tư chiến lược có bổ sung như thế nào, thì cuối cùng Ban Giám đốc sẽ xem xét duyệt bổ sung. Nghĩa là nhà đầu tư chiến lược bổ sung thêm một số nội dung nhưng Ban Giám đốc có thể chỉ đưa vào 1 phần vì đó là thẩm quyền”. Trả lời câu hỏi của báo chí về việc “Văn bản 4974 tại sao lại mời nguyên Chủ tịch thành viên Ban Giám đốc”, đại diện Bộ VHTT&DL cho biết: “Đối với công tác cổ phần hóa đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ, quan điểm của Bộ chỉ là thực hiện kết luận. Bộ không có thắc mắc về kết luận của Thanh tra Chính phủ. Do vậy, tất cả nội dung Thanh tra Chính phủ đã kết luận, Bộ đang triển khai thực hiện.
Từ lúc nhận được kết luận của Thanh tra Chính phủ, Bộ triển khai nhiều cuộc họp bàn cách thức hiện, do đó văn bản số 4974 là công văn triển khai thực hiện, gửi cho những đối tượng rất rõ. Những đồng chí được gửi văn bản đều là những người còn trách nhiệm là Tổng Giám đốc, đại diện vốn Nhà nước. Cho đến nay, Bộ chưa nhận được phản hồi nào của những chủ thể nằm trong văn bản 4974 này. Tinh thần của 4974 là triển khai những nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ”.