Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cổ phần hóa: Nhiều doanh nghiệp chần chừ, câu giờ

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) có xu hướng giảm. Điều này được thấy rõ qua tỷ lệ đóng góp cho ngân sách Nhà nước là 22% và 28% cho GDP, trong khi kinh tế tư nhân là 48% GDP.

Sau khi cổ phần hóa, Công ty CP sữa Vinamilk đã thành công trên thị trường trong nước và quốc tế. Ảnh: Trần Anh

Nhận định này được các chuyên gia thẳng thắn đưa ra tại Hội thảo “Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN”, tổ chức ngày 6/11.

Doanh nghiệp Nhà nước ngại thay đổi

Chính phủ đã có Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị T.Ư 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN. Mục tiêu đến năm 2020 là nâng cao năng lực và xu hướng chủ yếu là cổ phần hóa (CPH). Đến năm 2030 tập trung vào 3 mục tiêu: Quản trị DNNN là xu hướng chính để nâng cao minh bạch hiệu quả trong hoạt động; nâng cao trình độ công nghệ và tinh giản bộ máy, nâng cao năng suất lao động; củng cố phát triển một số tập đoàn kinh tế lớn quy mô ngang tầm khu vực.
Cần rà soát tổng thể lại đất đai trước khi CPH, vì trước đây các địa phương giao đất cho DNNN rất nhiều, sắp xếp rồi sẽ biết được DN có hoạt động hiệu quả không hay sống nhờ vào đất... Hapro sau khi CPH, TP Hà Nội đã thu về hơn 100 mảnh đất. Hà Nội làm được vì họ có quyết tâm, sắp xếp hàng nghìn mảnh đất lớn nhỏ trước khi CPH và thu hồi được nhiều diện tích đất không sử dụng sau khi CPH để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế khác. 

Cục trưởng Cục Tài chính DN - Bộ Tài chính Đặng Quyết Tiến

Tuy vậy, khảo sát của Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), hiện có 23,3% DNNN nói rằng họ không áp dụng KHCN, trên 25% nói rằng không liên quan, 24,8% nói rằng họ không thay đổi đáng kể khi Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0 diễn ra. “Phải chăng là sự độc quyền o bế từ trước đến nay mà họ chần chừ không muốn tham gia, thờ ơ không muốn thay đổi” - Trưởng ban Môi trường Kinh doanh & Năng lực cạnh tranh (CIEM) Nguyễn Minh Thảo chia sẻ.

Đánh giá về thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế T.Ư) Hoàng Trường Giang nhận định, vẫn còn khó khăn, giai đoạn 2016 - 2018 mới CPH được 74 DN/137 DN đạt 54%. Quốc hội giao chỉ tiêu phải thu về 250 nghìn tỷ đồng bán vốn DNNN, hiện mới thu được trên 190 nghìn tỷ đồng. Việc xử lý tồn tại của 12 DN yếu kém mới đạt được kết quả bước đầu.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước ra đời là chủ trương lớn tách bạch DNNN ra khỏi các bộ, ngành. Có 19 tập đoàn, tổng công ty chuyển về với số vốn đạt trên 70% tổng số vốn Nhà nước tại các DNNN. Dù vậy, theo các chuyên gia, thách thức với Ủy ban này trước hết là đòi hỏi đội ngũ phải đủ năng lực để thực hiện ngay quyền sở hữu, khẳng định hiệu quả và đội ngũ này phải có kinh nghiệm thực tiễn. Thứ hai là trong 12 DNNN thua lỗ ngành Công thương có 9 dự án chuyển về cho Ủy ban phải xử lý. Thứ ba là 4/19 tập đoàn chuyển về Ủy ban thua lỗ. Lợi nhuận để lại, quỹ CPH trước đây giao Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) giờ chuyển về Bộ Tài chính. Ủy ban không nắm được nguồn lực này rất khó thực hiện được mục tiêu củng cố các DNNN hoạt động hiệu quả có khả năng cạnh tranh cao và vươn tầm thế giới.

Công bằng, minh bạch để thúc cổ phần hóa

Các chuyên gia cho rằng, cần tập trung xử lý các dự án yếu kém, cần có khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, phải có các giải pháp mang tính đột phá. Tập trung vào cạnh tranh trong ngành, phát huy giá trị cốt lõi của DNNN. Kinh nghiệm nếu thành công nội ngành cao, khả năng cạnh tranh cao sẽ vượt lên được như trường hợp: Viettel, Vinamilk, EVN…

“Hiện bất cập trong tiền lương thu nhập của người lao động tại DNNN chính là rào cản rất lớn khiến DNNN hoạt động không hiệu quả. Lương cho vị trí cao ở Viettel là 36 triệu đồng/người/tháng, họ lấy doanh thu trừ chi phí nên phải tiết giảm chi phí mới có lương cao. Điều đó có nghĩa phải gắn với hiệu quả DN. Song có những trường hợp DNNN làm ăn thua lỗ lương cũng đều đều nhận 36 triệu đồng, đây là điều bất hợp lý, phải sửa đổi” - ông Giang chỉ ra.

Vấn đề ở đây là phải minh bạch, công khai và bình đẳng, hoàn thiện thể chế, rà soát thực trạng, nâng cao hiệu quả DNNN, xử lý các dự án thua lỗ, thúc đẩy tái cơ cấu và CPH, nâng cao năng lực thực chất của đội ngũ quản lý DNNN. “DNNN cùng với các thành phần kinh tế khác phải bình đẳng tuyệt đối, cạnh tranh lành mạnh thì chúng ta chưa đạt tới. Nhà nước phải cố gắng giải quyết được vấn đề này” - chuyên gia Lưu Bích Hồ bình luận. Để nòng cốt kinh tế Nhà nước là chủ đạo thì DNNN phải hoạt động hiệu quả, phải đi đầu trong tiến bộ KHCN. Hiện tại, cả 3 DNNN lớn đề cập ở trên vẫn chưa lọt vào top 500 tập đoàn thế giới. Nếu không có chiến lược cụ thể thì đến năm 2030, Việt Nam cũng không thể có DN, tập đoàn lớn vươn tầm khu vực.