Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cổ phiếu châu Á đi lên, S&P 500 tăng kỷ lục sau thỏa thuận đình chiến thương mại

Nguyễn Thu (Theo CNBC, Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cổ phiếu châu Á phần lớn tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 2/7 khi các nhà đầu tư chờ đợi quyết định lãi suất của ngân hàng trung ương Australia.

Chứng khoán châu Á giao dịch khởi sắc
Hầu hết cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Trung Quốc Đại lục đi lên trong phiên giao dịch ngày 2/7 với chỉ số Thâm Quyến tăng 0,11% và chỉ số tổng hợp Thâm Quyến cũng nhích 0,236%. Trong khi đó, chỉ số tổng hợp Thượng Hải đi ngang trong phiên này.
Chỉ số Hang Seng trên sàn Hồng Kông (Trung Quốc), bắt đầu mở cửa sau kỳ nghỉ vào thứ Hai, với mức tăng 1,41%.
Tại thị trường chứng khoán Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 cộng 0,08% trong phiên giao dịch buổi sáng, trong khi chỉ số Topix tăng 0,15%. Tuy nhiên, chỉ số KOSPI của thị tường Hàn Quốc lại giảm 0,15%.
 Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều tăng điểm trong ngày 2/7.
Trên thị trường Australia, chỉ số S&P/ASX 200 tăng 0,29% khi hầu hết cổ phiếu đều giao dịch khởi sắc.
Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) sẽ công bố quyết định về chính sách tiền tệ trong cuộc họp vào ngày 2/7 và thị trường đang kỳ vọng ngân hàng sẽ cắt giảm lãi suất.
Trong một lưu ý gửi khách hàng ngày 2/7, các chiến lược gia Ngân hàng DBS của Singapore nhận định khoảng 70% khả năng Ngân hàng Dự trữ Australia sẽ hạ lãi suất xuống còn 1,00% sau cuộc họp kết thúc ngày hôm nay. Đợt cắt giảm lãi suất mới nhất của Ngân hàng trung ương Australia được thực hiện vào tháng 6 vừa qua.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số Dollar, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, tăng lên 96,821 điểm sau khi giảm xuống dưới 96,6 điểm trong phiên trước đó. Tỷ giá yên Nhật tăng so với đồng USD, lên mức 1 USD đổi được 108,44 yen trong phiên ngày 2/7.
Chỉ số S&P 500 lập kỷ lục nhờ lạc quan thương mại
Chứng khoán Mỹ ngập sắc xanh trong phiên giao dịch ngày 1/7 sau khi Mỹ và Trung Quốc đồng ý tạm ngưng áp thuế bổ sung đối với hàng hóa của nhau trong nỗ lực nối lại các vòng đàm phán thương mại. 
Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall tăng điểm trong phiên này với sự dẫn đầu của nhóm cổ phiếu công nghệ. Chất xúc tác cho phiên giao dịch khởi sắc của chứng khoán Mỹ là hy vọng mới về đàm phán thương mại Mỹ - Trung và khả năng Washington nới lỏng trừng phạt tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei.
Chốt phiên giao dịch, các chỉ số không giữ được mức cao thiết lập trong phiên. Tuy vậy, S&P 500 vẫn ghi nhận mức tăng kỷ lục mới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 29/6 đã nhất trí không áp thêm thuế lên hàng hóa của nhau và nối lại đàm phán thương mại song phương. Nội dung của thỏa thuận đình chiến thương mại cũng bao gồm Mỹ nới lỏng hạn chế đối với tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc và Bắc Kinh tăng mua hàng nông sản từ Washington.
Nguyên nhân khiến các chỉ số chính trên sàn Phố Wall không thể giữ được mức cao thiết lập trong phiên cho tới khi đóng cửa là do một số nhà đầu tư giảm đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nới lỏng chính sách tiền tệ.
 Chỉ số S&P 500 lập kỷ lục mới trong phiên 1/7.
Chiến lược gia Willie Delwichie thuộc Robert W. Baird nhận định: "Nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt, thì khả năng FED hạ lãi suất và mức độ giảm tiềm năng cũng thấp đi so với kỳ vọng cách đây hơn 1 tuần".
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng vì tuần này được dự báo sẽ là một tuần có khối lượng giao dịch thấp ở Phố Wall do kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ 4/7.
Cổ phiếu công nghệ là nhóm tăng mạnh nhất phiên này, với mức tăng 1,45%. Trong đó, cổ phiếu Apple tăng 1,83%, tạo lực đẩy quan trọng nhất cho cả nhóm.
Cổ phiếu con chip, một thành viên của nhóm công nghệ, tăng gần 5% ở mức đỉnh của phiên, nhưng chốt phiên với mức tăng 2,65%. Cổ phiếu Micron, một nhà cung cấp chính của Huawei, tăng 3,9%.
0,8% lên 2.964,33,
Chốt phiên, chỉ số S&P 500 tăng 0,8% lên 2.964,33 điểm, chỉ số Dow Jones tăng 0,44%, đạt 26.717,43 điểm và chỉ số Nasdaq tăng 1,06%, đạt 8.091,16 điểm.
Chứng khoán Mỹ đã trải qua một đợt bán tháo mạnh trong tháng 5, với mức lao dốc tới 6,6%, khi đàm phán thương mại Mỹ - Trung bị đình trệ khiến giới đầu tư lo ngại về nguy cơ giảm tốc kinh tế toàn cầu.
Sang tháng 6, khả năng FED cắt giảm lãi suất để duy trì tăng trưởng kinh tế Mỹ, cùng lập trường nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu, đã giúp chứng khoán Mỹ hồi phục mạnh. S&P 500 và Dow Jones cùng chốt tháng 6 tăng tốt nhất nhiều thập kỷ.
Sau những diễn biến mới nhất, giới giao dịch ở Phố Wall hiện vẫn tin FED sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách diễn ra vào ngày 30-31/7, với mức cắt giảm ít nhất 0,25 điểm phần trăm. Trước đó, thị trường đặt khả năng cao FED sẽ hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong lần họp này.
Tuy nhiên, nếu triển vọng kinh tế Mỹ khả quan hơn nhờ tình hình thương mại có tiến bộ, FED có thể sẽ không hạ lãi suất nhanh và nhiều như kỳ vọng thời gian qua./.