Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cổ phiếu châu Á giảm mạnh khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu nhất trong 27 năm

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương giảm điểm trong phiên 15/7 sau khi Bắc Kinh công bố dữ liệu cho thấy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu nhất trong ít nhất 27 năm.

Trên thị trường Trung Quốc, các chỉ số đồng loạt lao dốc trong đó Shanghai Composite giảm 0,52%, còn Shenzhen Component hạ 0,29% và chỉ số  Shenzhen Composite sụt 0,359%.
Chỉ số Hang Seng trên sàn Hồng Kông giảm 0,45%, trong đó Hồng Kông vẫn còn bị mắc kẹt trong sự bất ổn xoay quanh dự luật dẫn độ đầy tranh cãi.
Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc hạ 0,13%. Chỉ số ASX 200 của Australia sụt 0,52% do phần lớn các lĩnh vực đều suy yếu. Cổ phiếu của nhà quản lý tài sản AMP sụt hơn 13% sau khi Công ty cho biết khó mà bán lại mảng bảo hiểm nhân thọ và bảo vệ tài sản.
 Chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên 15/7.
Thị trường Nhật Bản tạm ngưng giao dịch trong ngày 15/7 nhân dịp lễ.
Trung Quốc vừa công bố dữ liệu GDP quý II/2019 trong ngày 15/7, cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng trưởng chậm lại ở mức 6,2%, thấp nhất trong 27 năm trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang thể hiện rõ tác động tiêu cực.
Theo số liệu của Cục Thống kê Trung Quốc, từ tháng 4-6/2019, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, đúng với dự báo của các chuyên gia phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters.
Mức tăng trưởng GDP của quý II/2019 là mức tăng trưởng yếu nhất của Trung Quốc kể từ quý I/1992 – thời điểm dữ liệu hàng quý được ghi nhận lại, theo Reuters. Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 6,4% trong quý I so với cùng kỳ năm trước. Giới phân tích cho rằng tranh chấp thương mại Mỹ - Trung kéo dài hơn 1 năm qua đang gây áp lực đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Dữ liệu công bố ngày 12/7 cho thấy kim ngạch xuất khẩu tháng 6/2019 của Trung Quốc suy giảm so với cùng kỳ năm trước, do Mỹ áp thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm mạnh do nhu cầu trong nước giảm tốc.
Các chuyên gia lo sợ đà giảm tốc về kinh tế sẽ diễn ra trên toàn cầu nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa chấm dứt.
“Chúng tôi hiểu rõ nền kinh tế Trung Quốc đang tăng chậm lại khi giới chức nước này chuyển hướng đầu tư kinh tế, tập trung vào tăng trưởng trong nước, bót chú trọng vào lĩnh vực sản xuất” ông Col Graham - giám đốc đầu tư tài sản tại Eastspring Investments, nói với CNBC.
Đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc trong quý II diễn ra trong bối cảnh kỳ vọng ngày càng tăng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách tiền tệ vào cuối tháng này.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số Dollar, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, giảm còn 96,850 điểm sau khi tăng lên 97,5 điểm ghi nhận trong tuần trước.
So với yen Nhật, đồng USD giảm xuống tỷ lệ 1 USD đổi được 107,96 yen sau khi ghi nhận mức trên 108,8 yen trong tuần trước.