Thị trường chứng khoán châu Á cũng chịu áp lực đi xuống trong ngày 19/10 sau khi số liệu cho thấy trong quý III/2018, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn dự đoán.
Các cổ phiếu tại thị trường châu Á vẫn giao dịch kém khởi sắc trong phiên này mặc dù những nỗ lực của Trung Quốc nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư sau khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 2009.
Ngày 19/10, Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố số liệu chính thức cho thấy trong quý 3/2018, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2017, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. GDP Trung Quốc tăng 1,6% trong quý III, giảm so với mức tăng 1,8% ghi nhận trong quý trước đó.
Số liệu này cho thấy kinh tế Trung Quốc đã tăng chậm lại, khi mà nhiều năm nỗ lực giải quyết các nguy cơ về nợ đang bắt đầu đè nặng lên đà tăng trưởng và cuộc chiến thương mại với Mỹ cũng đang đe dọa hoạt động xuất khẩu.
Kota Hirayama - chuyên gia kinh tế thị trường mới nổi tại SMBC Nikko Securities ở Tokyo, nói rằng áp lực khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm tốc trong quý III đã phản ánh những tác động của chiến dịch giảm giá lâu dài của Bắc Kinh.
Chỉ số chứng khoán của Australia sụt 0,05% và chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,6%, ghi nhận tuần sụt giảm thứ 3 liên tiếp.
Tuy nhiên, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản đã tăng 0,3% sau khi lao dốc 0,9% ở đầu phiên trước khi Trung Quốc công bố số liệu GDP trong quý III.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite Index phục hồi tăng 2,3% sau khi giảm xuống mức thấp nhất 4 năm trong phiên 18/10.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, chỉ số DAX của Đức giảm 0,15%, chỉ số CAC 40 của Pháp dự kiến mất 0,04%, trong khi đó chỉ số FTSE 100 của Anh dự báo sẽ tăng 0,24%.
Chứng khoán Mỹ giảm hơn 1% trong ngày 18/10, khi Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cảnh báo liên quan đến ngân sách tại Italia cùng với lo ngại ngày càng tăng về mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ - Ả Rập Saudi, qua đó làm giảm tâm lý rủi ro của nhà đầu tư trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu và lãi suất tăng cao.
Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo không tham dự hội nghị nhà đầu tư tại Ả Rập Saudi khi Nhà Trắng chờ kết quả cuộc điều tra về vụ việc nhà báo Jamal Khashoggi mất tích.
Quyết định của Bộ trưởng Mnuchin làm dấy lên lo ngại về khả năng căng thẳng quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Saudi. Nhà đầu tư lo ngại rằng nếu Ả Rập Saudi bị áp đặt trừng phạt, thì nguồn cung dầu có thể bị sụt giảm và khiến giá năng lượng nhảy vọt.
Đây là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy chính quyền Tổng thống Donald Trump đang giữ khoảng cách với Ả Rập Saudi kể từ sau vụ mất tích của nhà báo Khashoggi.
Cùng ngày, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi thông báo với các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị ở Brussels rằng các nước cần phải tuân thủ các luật lệ quy định của EU về ngân sách. Kết thúc phiên giao dịch này, chỉ số Dow Jones lùi 327,23 điểm (tương đương 1,3%) xuống 25.379.45 điểm, chỉ số S&P 500 mất 40,43 điểm (tương đương 1,4%) còn 2.768.78 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 157,56 điểm (tương đương 2,1%) xuống 7.485.14 điểm.
Trên thị trường tiền tệ, tỷ giá đồng USD tiếp tục tăng 0,23% so với đồng yen Nhật Bản, hiện giao dịch ở mức 1 USD đổi được 112,44 yen.
Chỉ số Dollar Index, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, tăng lên mức 95,925 điểm.
Trong khi đó, đồng euro tăng 0,1% so với đồng bạc xanh, được giao dịch với tỷ lệ 1 euro "ăn" 1,1464 USD.