Lợi nhuận có sự phân hóa rõ rệt
Theo phân tích của các chuyên gia chứng khoán, hiện tại, thị trường đang có 2 thái cực đầu tư liên quan đến kết quả kinh doanh. Những cổ phiếu có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tích cực tiếp tục tăng giá, hoặc trụ vững trong những phiên biến động mạnh.
Trong khối DN lớn trong nhóm VN30 vừa công bố kết quả kinh doanh, lợi nhuận có sự phân hóa rõ rệt. Theo đó, nhiều DN tăng trưởng ấn tượng, nhưng cũng không ít DN lợi nhuận giảm sâu khiến giá cổ phiếu bị ảnh hưởng tiêu cực.
Tập đoàn Bảo Việt là một trong những DN “cười tươi” với tổng doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm tăng trưởng 28,8% so với cùng kỳ năm 2016, lợi nhuận sau thuế hoàn thành 92,3% kế hoạch năm.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, Tập đoàn Hòa Phát cũng đạt doanh thu “khủng” với hơn 21.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.470 tỷ đồng, tăng tương ứng 36% và 14% so với cùng kỳ 2016. Tính riêng quý II/2017, doanh thu toàn tập đoàn đạt 10.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 1.530 tỷ đồng. Ngoài ra, chỉ riêng tháng 7, dù thời tiết thất thường, trên 200.000 tấn thép Hòa Phát vẫn được tiêu thụ. Lũy kế 7 tháng đầu năm, thép xây dựng Hòa Phát đã đạt hơn 1,24 triệu tấn, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Một “ông lớn” khác cũng “được mùa” kinh doanh là Ngân hàng Quân đội (MB). 6 tháng đầu năm, MBB lãi 2.524 tỷ đồng, tăng 35,6% so với cùng kỳ, hoàn thành 52,8% kế hoạch cả năm.
Ở chiều ngược lại, nhiều DN ghi nhận mức doanh thu giảm, tồn kho tăng, lợi nhuận đi xuống. Nhiều đại gia hàng tiêu dùng có lợi nhuận giảm như Sabeco (-18%), Habeco (15%). Trong khối bất động sản, FLC chỉ đạt lãi ròng vỏn vẹn 3,6 tỷ đồng, giảm 99% so cùng kỳ; hay lợi nhuận của Novaland giảm 69%. Giá nguyên liệu tăng cũng khiến lợi nhuận của Hoa Sen Group giảm 40%.
Cổ phiếu chìm nổi
Cứ mỗi mùa công bố báo cáo tài chính, dấu ấn về kết quả hoạt động của các DN niêm yết khiến TTCK có sự phân hóa rõ rệt. Xu hướng dòng tiền của nhà đầu tư tiếp tục chảy vào các DN có kết quả kinh doanh lớn, tăng trưởng ngoạn mục.
Nhờ mức tăng trưởng tốt trong quý II, cổ phiếu MBB vượt qua vùng đỉnh ngắn hạn và đóng cửa ở mức giá 23.500 đồng/cổ phiếu cuối tháng 7. Trong tháng 7, tổng cộng có 46,4 triệu cổ phiếu được giao dịch, nhưng có tới gần 71 triệu cổ phiếu được đặt mua và cũng có tới 72 triệu cổ phiếu đặt bán. Có thể nói, rất nhiều nhà đầu tư muốn sở hữu MBB và khi các bên chốt lời thì ngay lập tức có những cổ đông thế chân.
Một DN sản xuất khác có kết quả kinh doanh được khuyến cáo đầu tư thời gian qua là Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Kết thúc phiên giao dịch đầu tháng 8, HPG tăng gần 2%, lên mức 32.700 đồng/cổ phiếu. Sau nhiều phiên giảm giá trong tuần qua, HPG đã mở đầu phiên giao dịch tuần này với sắc xanh ở mức 32.250 đồng/cổ phiếu. Với dự án Thép Hòa Phát Dung Quất công suất hoạt động 4 triệu tấn/năm, chuyên gia Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng kỳ vọng sẽ giúp HPG tiếp tục chiếm lĩnh thị phần thép xây dựng nội địa và có thể đẩy mạnh xuất khẩu trong các năm tới.
Khác với sự thăng hoa của nhiều DN lớn có kết quả kinh doanh tốt, hàng loạt cổ phiếu lao dốc, thậm chí lau sàn vì tin xấu về hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trước thông tin kết quả kinh doanh quý II với lãi ròng giảm một nửa về mức 272 tỷ đồng, giá cổ phiếu Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) có phiên lau sàn ở mức 28.000 đồng/cổ phiếu ngày 31/7/2017. Nhiều cổ phiếu khác như DQC, PVC, EIB… liên tục đỏ sàn.
Theo đại diện Phòng Môi giới Công ty Chứng khoán Agriseco, việc kết quả kinh doanh của nhiều DN không như ý và giá nhiều cổ phiếu đã đạt tầm cao mới sẽ khiến thị trường có thể gặp áp lực chốt lời.
“Điểm cần lưu ý là sự vận động nội tại của bản thân DN đang chậm hơn tăng trưởng giá cổ phiếu. Theo thống kê, với các DN đã công bố báo cáo tài chính thì có tới 2/3 số DN có mức tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn mức tăng giá từ đầu năm. Thị trường khả năng sẽ cần 1 - 2 tuần để hấp thụ áp lực chốt lời, và sau đó sẽ tích lũy đi ngang”- vị đại diện này nhận định.
Một số DN có mức tăng trưởng lợi nhuận quý II khá cao gồm Vingroup (tăng 49%), Viglacera (41%), Vinaconex (29%), Bảo Việt (76%), ACB (42%), VietinBank (26%)... |